Theo lý giải của người trong ngành, nguyên nhân chính là mức độ đầu tư chưa tốt và trình độ VĐV còn thấp.
Thực trạng thể thao Việt Nam
Dù đã có 16 VĐV tranh tài ở 11 môn thi tại Olympic 2024, đoàn thể thao Việt Nam vẫn chưa thể giành được huy chương nào. Điều này khiến nhiều người tiếc nuối, đặc biệt là khi Việt Nam đã thống trị SEA Games hai kỳ liên tiếp và xếp thứ 6 tại ASIAD 2023.
Kết quả tại Olympic Paris phần nào phản ánh thực trạng của thể thao nước nhà. Chúng ta có số lượng VĐV đông đảo, nhưng trình độ nhìn chung chỉ ở cấp khu vực. Kế hoạch đầu tư trọng điểm cho ASIAD, Olympic mặc dù đã được triển khai song chưa phát huy hiệu quả.
Nguyên nhân và giải pháp
Ông Hoàng Đạo Cương - thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đưa ra góc nhìn của mình như sau:
“Điều kiện cơ sở vật chất thể thao còn nhiều khó khăn, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại trong thể thao còn khoảng cách khá xa so với các nước trên thế giới. Dù có tập trung đầu tư cho ASIAD, Olympic nhưng tổ chức thực hiện chưa đạt yêu cầu.
Thể thao Viêt Nam cần có các giải pháp trọng điểm, đột phá thì mới giải được bài toán Olympic. Cụ thể là: đầu tư cho cơ sở vật chất; mở rộng nguồn kinh phí đầu tư cho VĐV trọng điểm; phát triển thể thao học đường, thể thao quần chúng.
Để đào tạo lực lượng VĐV trọng điểm cho Asiad, Olympic cần có nguồn lực tương xứng mới có thể phát huy hiệu quả. Đầu tư cho phát triển thể thao thành tích cao ở nước ta phần lớn là từ ngân sách nhà nước. Việc huy động nguồn lực xã hội trong lĩnh vực này còn hạn chế.
Để huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho phát triển thể thao thành tích cao trong thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ. Động viên, kêu gọi sự hỗ trợ từ các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn tài trợ cho các tài năng thể thao. Tranh thủ các mối quan hệ hợp tác quốc tế để tăng cường chuyên gia, đưa VĐV đi tập huấn, đào tạo nước ngoài. Mở rộng cơ chế khuyến khích, thu hút tài năng thể thao là người Việt ở nước ngoài về tham gia thi đấu cho các đội tuyển quốc gia.”
Xem thêm: