Ở đại hội thể thao châu Á, đoàn Việt Nam thua người Thái Lan đến 9 HCV dù trước đó chúng ta đã xếp trên họ ở SEA Games.
Việt Nam thua xa người Thái ở đấu trường châu lục
Kết thúc ASIAD 19, đoàn thể thao Thái Lan giành được 12 HCV, 14 HCB và 32 HCĐ, xếp thứ 8 toàn đoàn, qua đó trở thành quốc gia Đông Nam Á giàu thành tích nhất, hơn Indonesia (7 HCV), Malaysia (6 HCV), Philippines (4 HCV), Singapore và Việt Nam (cùng 3 HCV).
Cách đây không lâu, ở SEA Games 32 tổ chức tại Campuchia, đoàn thể thao Việt Nam đã giành ngôi đầu một cách thuyết phục, đoạt 136 HCV, bỏ xa Thái Lan đứng thứ hai (108 HCV). Nhưng khi tranh tài ở đấu trường ASIAD, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn.
Nguyên nhân chính
Một trong những nguyên nhân chính giúp người Thái thi đấu thành công như vậy đến từ việc họ biết cách đầu tư trọng điểm vào môn thể thao thế mạnh thay vì đầu tư dàn trải như Việt Nam.
Có những môn như lặn, wushu, pencak silat dù mang lại nhiều huy chương ở Đông Nam Á cho chúng ta nhưng lại không phổ biến ở đấu trường quốc tế. Ngoài ra, nhiều môn ở nhóm 3 (không nằm trong chương trình thi đấu của ASIAD hay Olympic), vẫn được giao nhiệm vụ tranh huy chương khu vực nhằm đảm bảo cho vị trí ở nhóm đầu SEA Games.
Về phía Thái Lan, bên cạnh cầu mây vốn là môn thể thao truyền thống, họ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm bắt thời cơ tốt khi đầu tư mạnh vào 2 môn tương đối mới là thuyền buồm, golf và họ đã hái được quả ngọt khi 2 môn này mang về cho họ tới 5 trong tổng số 12 HCV.
Nhiều người cho rằng kinh phí đầu tư không nhiều cũng là một phần khiến thể thao Việt Nam không thể cạnh tranh mạnh mẽ ở đấu trường khu vực. Tuy nhiên, đây là chỉ một phần chứ không phải toàn bộ.
Muốn thể thao phát triển, chúng ta cần quan tâm một cách nghiêm túc từ thể thao học đường, xã hội hóa thể thao để có nguồn lực đầu tư, định hướng phát triển các môn trọng điểm… Đây là những vấn đề không hề mới, nhưng để giải quyết được lại rất khó.
VĐV Dow Siripon Keawduang-ngam mang về HCV ở môn thuyền buồm
Xem thêm: