Vén màn cơn ác mộng của Juventus

- Thứ Bảy, 21/01/2023, 16:13
Theo dõi SABAVN trên google-news-text
Hãy cùng tìm hiểu chi tiết bối cảnh và nguyên nhân dẫn đến án phạt bị trừ 15 điểm của gã khổng lồ nước Ý.

LĐBĐ Ý vừa tuyên bố trừng phạt Juventus vì những vi phạm tài chính. Đội bóng thành Turin có quyền và sẽ kháng cáo trong thời gian tới. Dù vậy, khả năng kháng cáo thành công của Bianconeri vẫn là một dấu hỏi. Thế nên đây là lúc thích hợp để mổ xẻ nguyên nhân bị phạt của đội chủ sân Allianz.

Vào tháng 4 năm ngoái, tâm điểm của nền bóng đá Italia là vụ án “Plusvalenze”, ý chỉ thuật ngữ kế toán phản ánh lợi nhuận thu được từ việc bán đi một tài sản như cổ phiếu, trái phiếu hay bất động sản – nói chung là mô tả sự khác biệt giữa giá bán và giá vốn của một tài sản cụ thể. Juventus cũng nằm trong số những CLB bị tình nghi nhưng cuối cùng đã được phán quyết là trong sạch.

Thương vụ đổi Pjanic lấy Melo là một trong những sai phạm của Juventus
Thương vụ đổi Pjanic lấy Melo là một trong những sai phạm của Juventus

Dù vậy, Juventus được cho là có liên quan đến hơn 40 vụ chuyển nhượng “mờ ám” trong vụ án này. Nổi bật vụ trao đổi Miralem Pjanic với Arthur, vụ trao đổi Danilo với Joao Cancelo, vụ trao đổi Leonardo Bonucci với Mattia Caldara. Những thương vụ trao đổi này sử dụng một vài thủ thuật kế toán như khái niệm khấu hao và bút toán tăng giảm để làm đẹp sổ sách.

Thế nhưng, Juventus còn là đối tượng riêng của một vụ án khác có tên gọi là “Prisma”, cũng liên quan đến những cáo buộc sai phạm tài chính (sử dụng các khoản lãi vốn giả mạo, đánh lừa thị trường chứng khoán bằng những thỏa thuận thanh toán ngầm cho các cầu thủ). Đây cũng là nguyên nhân khiến hàng loạt quan chức cấp cao của Juventus đồng loạt từ chức vào cuối năm ngoái.

Cuộc điều tra Prisma được cho là bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái, khi cảnh sát tài chính Italia (Guardia Di Finanza) tìm thấy một tài liệu có chữ ký của Cristiano Ronaldo và phía Juventus cam kết sẽ trả cho siêu sao người Bồ này 19,9 triệu euro ngay cả khi anh chia tay CLB. Theo tờ La Gazzetta dello Sport cho biết khi ấy: 23 cầu thủ ký cam kết giảm lương 4 tháng để giúp Juve vượt qua tình cảnh khó khăn thời đại dịch, nhưng trên thực tế vẫn được nhận tiền trong 3 tháng lương đó.

Tờ Il Fatto Quotidiano khẳng định có 17 cầu thủ tham gia vào các giao dịch “bí mật” này, với tổng số tiền được Juve chi trả là gần 60 triệu euro. Điều này có nghĩa, Juve và các cầu thủ nhận lương ngầm không bị đánh thuế đối với các khoản giao dịch đó. Juve bấy giờ cũng sẽ phải làm giả sổ sách kế toán để mọi thứ trông có vẻ cân bằng. Và vì là một công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán, bất kỳ bằng chứng nào cho thấy dấu hiệu sai phạm đều sẽ khiến Juve bị liệt vào hành vi gian lận tài chính.

Chính cuộc điều tra Prisma đó phanh phui những bằng chứng mới, mở đường cho công tố viên Giuseppe Chine đệ đơn kháng cáo một lần nữa để vụ việc Plusvalenze được mở lại ở Tòa Phúc thẩm của FIGC. Điều này cũng góp phần giải thích vì sao phán quyết mới đưa ra chỉ áp lên Juventus, mà không có những CLB Italia khác.

Juventus vẫn còn nợ Ronaldo 19,9 triệu euro tiền giao dịch ngầm
Juventus vẫn còn nợ Ronaldo 19,9 triệu euro tiền giao dịch ngầm

Tòa án phúc thẩm của LĐBĐ Italia sẽ đưa ra lý do chính thức cho phán quyết trừ điểm trong 10 ngày tới, còn Juventus có quyền kháng cáo trong 30 ngày. Lưu ý rằng bản chất phán quyết vừa được Tòa Phúc thẩm FIGC đưa ra là thuộc vụ án Plusvalenze. Có nghĩa rằng, phiên tòa sơ thẩm trong vụ án dân sự Prisma vẫn còn y nguyên và đợi họ vào ngày 27 tháng 3 tới. Đồng thời, phía UEFA vào cuối năm ngoái cũng đã mở một cuộc điều tra riêng của họ để em Juventus có vi phạm Luật Công bằng Tài chính hay không.

Theo Sky Italia, phía Juve cùng những quan chức cũ của CLB sẽ đệ đơn kháng án lên CONI (Ủy ban Olympic Italia). Điều quan trọng là CONI chỉ có quyền khẳng định án phạt đúng hay sai chứ không có quyền thay đổi án phạt, đồng nghĩa Juventus chỉ có khả năng kháng án thành công và được hoàn 15 điểm và ngược lại.

(Tư liệu từ Le Foot)

Xem thêm:

Juventus

Serie A 2022/23