Có nhiều lý do dẫn đến việc U23 Việt Nam hiện vẫn không thể ghi bàn trước giờ nghỉ trong tất cả các trận đấu tại SEA Games 31.
Tốc độ lên bóng là điểm khác biệt lớn nhất của U23 Việt Nam trước và sau giờ nghỉ giữa các hiệp. Với mật độ thì đấu rất dày tại SEA Games 31, HLV Park Hang-seo chủ động chọn việc chơi chậm trong 45 phút đầu tiên, quan sát đối thủ và có những sự điều chỉnh trong hiệp sau để tung đòn kết liễu.
Trong trận đấu với U23 Malaysia, ông Park càng trì hoãn việc thay người hơn vì thời lượng có thể kéo dài đến hiệp phụ. Chí ít thì nhà cầm quân này đã đúng với hướng suy nghĩ đó khi 2 quyền thay đổi đầu của ông được dùng cho các trường hợp bị đau và không thể tiếp tục thi đấu như của Văn Xuân và Hoàng Anh.
U23 Việt Nam quá phụ thuộc vào các bài tấn công biên, họ gần như không có phương án xâm nhập vào Zone 14 (khu vực trung lộ sát vòng cấm). Rõ ràng ông Park đang thiếu người có khả năng mạnh dạng dẫn bóng và làm rối loạn hệ thống phòng ngự số đông của đối thủ. Điều này vốn được Quang Hải hay Công Phượng thực hiện khá tốt trong màu áo ĐTQG. Sự đơn điệu đó khiến U23 Việt Nam không thể gây bất ngờ cho đối phương.
Mạnh Dũng đã rất xuất sắc trong vai trò siêu dự bị ở trận ra quân gặp U23 Indonesia. Nhưng số 17 không thực sự hiệu quả trong khâu làm bàn khi được xếp đá chính. Tuy nhiên, ông Park vẫn một mực điền tên cầu thủ của Viettel FC vào đội hình xuất phát.
Thay vì chọn Văn Tùng hay Hồ Thanh Minh, HLV Park Hang-seo thích một tiền đạo có thể hình, sức mạnh và quấy phá tốt để hỗ trợ Tiến Linh ngay từ đầu. Mạnh Dũng đáp ứng được yêu cầu ấy và thường rời sân trong hiệp 2. Chẳng thể phủ nhận các chân sút của Việt Nam không thực sự có duyên, nhưng cách bố trí của thầy Park cho thấy ông muốn các học trò tập trung phá sức đối thủ ở hiệp đầu hơn là việc phải ghi bằng được bàn thắng.
Xem thêm: