Chiến thắng của đội chủ sân Santiago Bernabeu trước Manchester City và Liverpool khẳng định tầm quan trọng của bản lĩnh trận mạc, nhưng nó cũng đặt ra vấn đề về phương cách tấn công trong bóng đá hiện đại.
The Citizens và The Kop là hai đại diện tiêu biểu nhất của lối chơi Positional Play (Định hướng vị trí) cũng như Gegenpressing, nhưng họ chưa đủ hoàn hảo để hạ gục được Los Blancos.
Về mặt thế trận, rõ ràng Man City áp đảo Real Madrid. Trận lượt đi, họ đánh phủ đầu thành công và ghi 2 bàn từ sớm. Đoàn quân của Pep Guardiola đến rất gần với việc kết liễu đối phương, nhưng cứ mỗi lần bỏ lỡ cơ hội, họ lại cho Real niềm hy vọng để vùng dậy.
Kịch bản trận lượt về chẳng khác là bao, khi Nửa xanh thành Manchester suýt chút nữa đã nâng cách biệt (trong tổng tỷ số) lên thành 3 bàn. Jack Grealish thất bại trong việc ấy, và đội khách cho phép Nhà vua châu Âu mơ về màn lội ngược dòng – điều cuối cùng đã trở thành sự thật.
Nhiều người nói rằng nếu Grealish may mắn hơn, Man City đã có thể chiến thắng. Nhưng đó là sự khác biệt giữa một tiền vệ và một tiền đạo. Một chân sút cự phách có thể mang về sự may mắn, bởi anh ta tập sút nhiều lần hơn các chân chuyền, và năng lực là thứ tốt nhất để tạo nên vận may.
Trường hợp của Grealish không chỉ mang tính tình huống. Nó vốn là hệ quả từ triết lý của Pep. Để thi triển Positional Play, ông thầy người Tây Ban Nha cần nhiều tiền vệ, vì nhìn chung thì tiền vệ có thiên hướng kiểm soát bóng lâu hơn tiền đạo. Một trung phong có khao khát đưa bóng tiến lên phía trước, còn các tiền vệ biết rằng nhiều khi họ phải giữ bóng lại, đưa nó đi vòng quanh để kéo giãn khối đội hình đối phương.
Đó là cách để chơi Positional Play: bạn không thường xuyên tấn công trực diện, mà cố ý “dụ dỗ” đối thủ sang một bên, trước khi đưa bóng qua bên còn lại, nơi có người đứng sẵn để đón bóng trong một tư thế thoải mái với khoảng trống đủ để xử lý. Làm như thế thì cần có thời gian.
Như vậy nghĩa là Man City ít nhiều tự làm giảm đi cơ hội tấn công một cách dồn dập. Áp lực họ tạo ra là chưa đủ để khiến Real Madrid sụp đổ hoàn toàn. Ngoài ra, The Citizens cũng chủ động “đá ma”, giảm sức ép sau khi dẫn bàn. Mà như đã nói, khi bạn để cho một đội bóng như Los Blancos còn “sống”, thì bạn cũng cho họ cơ hội để làm hại chính bạn.
Thế trận giữa Liverpool và Real Madrid thì lại khác. Lữ đoàn đỏ là một tập thể có thừa tính trực diện. Họ đủ sức tạo áp lực một cách liên tục để khiến đối phương mắc lỗi. Nhưng khi đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha gần như không phạm sai lầm (ngay cả khi bị gây áp lực tầm cao), thì CLB vùng Merseyside cũng bớt nguy hiểm đi hẳn.
Thực tế là Real đã thủ quá tốt. Fede Valverde chơi tiền đạo phải, và tư duy phòng ngự của anh giúp ngăn chặn Andy Robertson. Dani Carvajal theo kèm Luis Diaz quá rát, còn Casemiro thì liên tục cắt đường chuyền vào vòng cấm và khu vực xung quanh đó.
Trong tình thế ấy, thứ mà Liverpool còn thiếu là khả năng chơi Positional Play như Man City. Họ không lôi kéo được khối đội hình của Kền kền trắng và ít khi mở ra được khoảng trống thực sự có giá trị.
Tất nhiên các học trò của Klopp đã sút rất nhiều và họ cũng ức chế với đôi tay của Thibaut Courtois. Nhưng theo dõi trận đấu, ta không có cảm giác rằng Liverpool sẽ ghi bàn, như cái cách mà ta cảm thấy mỗi cuối tuần ở Ngoại hạng Anh. Có thể thấy, về khả năng công phá và tạo cơ hội nguy hiểm, thì Liverpool chưa bằng Man City.
Nói dông dài như thế là để thấy rằng trường phái tấn công sẽ phải cải tiến để phá vỡ các cấu trúc phòng ngự hiệu quả. Mùa 2020/21, Man City đã thất bại trước Chelsea. Cách đây hơn một ngày, Liverpool cũng thua Real Madrid. Thế giới bóng đá cần một tập thể ưu việt hơn nữa, với sự pha trộn giữa tính “điều khiển” của Man City và sự sắc sảo, trực diện của Liverpool. Khi ấy, cuộc đấu giữa tấn công và phòng ngự lại thêm phần thú vị.
Xem thêm: