Giống như đồng nghiệp Jose Mourinho, vị HLV sinh năm 1971 cũng mang tới điểm nhấn nơi phòng họp báo, nhưng theo một cách hóm hỉnh hơn.
Trong giao tiếp, việc khăng khăng phản đối lời cáo buộc nhiều khi không phải cách tốt nhất để giành phần thắng. Trái lại, thái độ giả vờ đồng ý theo lối mỉa mai có thể khiến đối phương… chẳng còn gì mà nói. Pep Guardiola, nhờ tài xử trí khéo léo của mình, đã đối phó với dư luận như thế.
Không HLV nào trên thế giới bị soi xét nhiều như nhà cầm quân người Tây Ban Nha, và thuyền trưởng của Manchester City biết điều đó. Thậm chí, Pep còn nắm bắt xu hướng trên mạng xã hội cực kỳ nhanh chóng. Sau khi ông thay Erling Haaland ra khỏi sân ở màn hạ sát RB Leipzig, khán giả đã bắt đầu chọc ghẹo rằng Pep muốn bảo vệ thành tích 5 bàn trong 1 trận đấu tại Champions League của trò cũ Lionel Messi.
Chiến lược gia 52 tuổi lập tức đón đầu giới truyền thông. Ngay trận tiếp theo, Haaland lập hat-trick, và Pep trả lời khi bị phóng viên đặt câu hỏi: “Tôi thay Haaland ra sau bàn thắng thứ ba để cậu ấy khỏi phá vỡ kỷ lục của Lionel Messi tại FA Cup. Đó chính là lý do.”
Vài năm qua, danh hiệu Champions League trở thành vũ khí hữu hiệu để các “anti-fan” xỉa xói Guardiola. Đứng trước sự công kích ấy (và cả áp lực từ chính những người yêu quý Man City), cựu HLV Bayern Munich bỗng dưng lôi… diễn viên Julia Roberts vào cuộc.
Pep nói mình sẽ luôn là kẻ thất bại tại đấu trường châu lục dù ông có vô địch 3 lần liên tiếp đi nữa, đơn giản vì “người đàn bà đẹp” đến xem Manchester United chứ không phải Man City. Một cái cớ chẳng đâu vào đâu, nhưng nó có thể làm mất hứng những cây bút muốn xoáy sâu vào nhiệm vụ dành cho người đã hai lần nâng cúp.
Khi đội chủ sân Etihad trải qua giai đoạn phập phù hồi đầu năm nay, đã xuất hiện nhóm nhỏ cổ động viên tuyên truyền biểu ngữ “#PepOut” (đòi sa thải Pep). Thông điệp không lan quá rộng nhưng nó cũng chẳng thoát khỏi tầm mắt của vị HLV tinh ý. Đến lúc họp báo, ông lại nửa đùa nửa thật:
“Người ta muốn Man City chơi tốt và giành chiến thắng, chứ không là ‘PepOut’ đấy. Tôi muốn ‘PepIn’ (nói ngược lại với ‘PepOut’, nghĩa là ‘ở lại’) cơ.”
Khi còn trẻ, người ta kỳ vọng thế giới trân trọng tài năng của mình. Đến khi già đời, họ biết dù có thắng bao nhiêu trận thì những kẻ ghen tỵ vẫn tìm được lý do chê trách. Đối mặt với sự dè bỉu, còn cách nào hay hơn ngoài việc biến nó thành một trò cười. Sau 15 năm ngồi cabin chỉ đạo, trải qua cả nghìn cuộc phỏng vấn, có lẽ Pep đã đủ “già đời” để điều khiển cuộc chơi ngôn từ và châm biếm ngược lại dư luận.
Tham khảo từ The Athletic
Xem thêm: