Lượt trận thứ 2 của giải đấu trên đất Qatar đã đi qua và hãy cùng nhau nhìn lại thông qua những thống kê và dữ kiện đáng chú ý.
Iraq gieo sầu cho Nhật Bản
Kết quả thua 1-2 trước Iraq vừa qua đã khiến Samurai xanh phải chịu thất bại đầu tiên sau 26 trận đấu vòng bảng tại AFC Asian Cup. Trước trận đấu tại Al Rayyan, nhà vô địch 4 lần đã có chuỗi trận bất bại dài nhất ở vòng bảng của giải đấu châu lục, thắng 19 và hòa 6 trong số 25 trận gần nhất của họ.
Kết quả này cũng cắt đứt chuỗi 11 trận thắng của ĐT Nhật Bản bắt đầu vào tháng 06/2023. Trong khi đó, đây là chiến thắng đầu tiên của ĐT Iraq trước Samurai xanh kể từ thắng lợi 1-0 ở tứ kết Asian Cup 1982.
Indonesia thắng trận chiến lịch sử
Cuộc đấu giữa Việt Nam và Indonesia chứng kiến lần đầu tiên sau 52 năm, 2 quốc gia Đông Nam Á gặp nhau tại AFC Asian Cup. Sau cùng, nó đã khép lại với thắng lợi 1-0 dành cho đội tuyển xứ sở vạn đảo. Đây cũng chỉ là chiến thắng thứ 3 của Indonesia ở giải đấu cấp châu lục sau các trận thắng 2-1 trước Qatar năm 2004 và Bahrain năm 2007.
Gặp khó trong việc ghi bàn
Sau trận hòa không bàn thắng trước Tajikistan ngày ra quân, ĐT Trung Quốc đã thu về kết quả tương tự khi chạm trán Lebanon ở lượt trận thứ 2. Họ là 1 trong 5 đội chưa để thủng lưới ở giải đấu tính đến hiện tại nhưng cũng nằm trong số 7 đội chưa có được bàn thắng.
Với Tajikistan và Lebanon cũng gặp khó trong việc ghi bàn, 2 điểm có được giúp Trung Quốc xếp thứ 2 tại bảng A trước trận cuối gặp Qatar. Với vận mệnh nằm trong tay, đội bóng xứ tỷ dân sẽ hy vọng giữ được sự chắc chắn ở hàng phòng ngự đồng thời tìm lại khả năng ghi bàn của mình ở phía trước.
Cầu thủ ghi bàn liên tiếp
Theo thống kê, đã có 5 cầu thủ ghi bàn ở cả 2 lượt đấu vừa qua. Đó là Sultan Adil (UAE), Jackson Irvine (Australia), Mehdi Ghayedi (Iran), Aymen Hussein (Iraq) và Akram Afif (Qatar). Hussein và Afif hiện đang dẫn đầu danh sách ghi bàn của giải đấu với 3 bàn thắng mỗi người.
Ấn tượng Khalid Eisa
Thủ thành Khalid Eisa của UAE đã thực hiện 8 pha cứu thua - nhiều hơn bất kỳ cầu thủ nào khác ở 2 lượt trận đã qua - trong trận hòa 1-1 với Palestine. Khoảnh khắc ấn tượng nhất của người gác đền 34 tuổi đến ở cuối hiệp 1 khi anh cản phá quả phạt đền của Tamer Seyan sau khi UAE chỉ còn chơi với 10 người.
Gây rắc rối cho các hậu vệ
Không có cầu thủ nào bị phạm lỗi nhiều hơn Salaah Al Yahyaei của Oman ở lượt trận thứ 2 với 7 lần bị phạm lỗi trong trận đấu với Thái Lan. Bất chấp những nỗ lực hết mình của tiền vệ công này, Oman chỉ có thể có được 1 điểm trong trận hòa không bàn thắng trước Voi chiến. Ali Madan của Bahrain, Suresh Singh của Ấn Độ, Phạm Tuấn Hải của Việt Nam và Odilzhon Abdurakhmanov của Kyrgyzstan đứng tiếp theo trong danh sách với con số là 5.
Cột mốc đáng nhớ cho Theerathon
Trận đấu với Oman vừa qua chứng kiến Theerathon Bunmathan có lần thứ 100 khoác áo ĐT Thái Lan. Hậu vệ 33 tuổi đã gia nhập một CLB ưu tú gồm Kiatisuk Senamuang, Teerasil Dangda, Totchtawan Sripan, Piyapong Pue-on và Datsakorn Thonglao với tư cách là những cầu thủ đã chơi 100 trận đấu quốc tế trở lên cho Voi chiến. Tuy vậy, anh sẽ không thể ra sân ở lượt trận thứ 3 gặp Ả Rập Xê Út do án treo giò.
Sự thống trị
Ả Rập Xê Út có tỷ lệ kiểm soát bóng lên tới 75% trong chiến thắng 2-0 trước Kyrgyzstan. Đây là tỷ lệ kiểm soát bóng nhiều nhất mà một đội có được ở 2 lượt trận vừa qua. Nhật Bản đứng thứ 2 trong danh sách khi chịu thất bại 1-0 trước Iraq dù kiểm soát bóng tới 72%.
Bị từ chối bởi khung gỗ
Chiến thắng 3-0 của Uzbekistan trước Ấn Độ chứng kiến tới 5 cú sút trúng khung gỗ - nhiều nhất trong bất kỳ trận đấu nào ở phiên bản thứ 18 của giải đấu cho đến nay. 5 tình huống đó thuộc về Jaloliddin Masharipov, Sherzod Nasrullayev và Jamshid Iskanderov của Uzbekistan bên cạnh Akash Mishra cùng Rahul KP bên phía Ấn Độ.
Theo trang chủ AFC
Video HIGHLIGHTS: Việt Nam - Indonesia | Asian Cup 2023
Xem thêm: