Vòng quay trên khắp hành tinh của quả bóng tròn trong 365 ngày qua đã tạo ra các cột mốc đặc sắc chưa bao giờ xảy ra trong quá khứ.
1/ Super League sụp đổ trong 48 giờ
Được thai nghén rất nhiều năm nhưng giải đấu dự báo sẽ thay đổi cục diện môn thể thao Vua của thế giới lại chết yểu trong vòng chưa đầy 2 ngày. Ông chủ Perez của Real Madrid bị xem là kẻ cầm đầu nổi loạn, khi đứng ra làm chủ tịch của Super League với 12 CLB thành viên sáng lập.
Tuy bức tranh tài chính được họ vẽ ra rất lung linh với các trận đấu siêu hấp dẫn nhưng kế hoạch truyền thông, thể thức thi đấu và đặc biệt là sứ mệnh, giá trị của giải lại bị phần lớn giới mộ điệu lẫn chuyên môn lên án gay gắt. Super League bị xem là chỉ ra đời phục vụ những CLB giàu có, khiến sự chênh lệch giữa những đội bóng ngày một lớn.
Nhưng ở một khía cạnh khác, Super League là một động thái đấu tranh cho sự độc quyền của UEFA. Khi Liên đoàn bóng đá châu Âu liên tiếp đẻ ra các giải đấu bị đánh giá là kém sức hút như Cúp C3 hay Nations League, nhằm thu về thật nhiều lợi nhuận mà không màng đến sức khoẻ của cầu thủ. Super League sụp đổ, nhưng chưa hoàn toàn vỡ vụn. Các thủ tục pháp lý được những CLB ký kết trước đó không phải là giấy lộn và chủ tịch Perez vẫn ấp ủ kế hoạch cho một sự trở lại chu đáo hơn rất nhiều.
2/ Kỳ chuyển nhượng Hè điên rồ
Loạn chẳng kém gì 12 sứ quân ở Super League là mùa chuyển nhượng hè 2021. Cùng với Harry Kane, Mbappe là những cái tên ban đầu được nhắc đến nhiều nhất nhưng dù Real liên tục nâng giá hỏi mua từ 160 lên 180 và cuối cùng là 200 triệu euro cho chỉ 1 năm hợp đồng còn lại của ngôi sao người Pháp, thì PSG vẫn không chịu nhả người. Bất chấp khả năng cao họ sẽ mất trắng Mbappe vào hè 2022.
Thậm chí ở chiều ngược lại, gã nhà giàu nước pháp còn rước về Messi với giá 0 đồng. Sau khi Barca bất ngờ tuyên bố quỹ lương của họ không còn đủ để gia hạn với biểu tượng vĩ đại nhất CLB. Ramos từ kình địch trở thành đồng đội của Messi. Donnarumma, Hakimi, Wijnaldum cũng tề tựu ở PSG, khiến đội hình của họ tưởng hùng hậu mà hoá ra lại mất cân bằng, đặc biệt là do hàng công. Trong khi Ronaldo suýt gia nhập Man City cho đến khi Man United không chấp nhận nổi sự thật ấy và dang tay đón huyền thoại của họ trở về.
3/ Ý vô địch Euro kiểu mới
Trước khi cùng nhau tạo nên một phiên chợ hè hỗn loạn, Mbappe, Ronaldo và Donnarumma cũng đã góp phần làm nên một VCK Euro đặc sắc. Bị hoãn 1 năm nhưng kỳ Euro đầu tiên được diễn ra theo thể thức 11 thành phố đồng đăng cai vẫn để lại nhiều dư vị khó quên.
Mở đầu là cơn đau tim ngay trên sân của Eriksen. Trong khi Bồ đào nha lại lách qua khe cửa hẹp để vượt bảng tử thần nhưng không tái lập được kỳ tích như năm 2016 vì sớm đụng phải người Bỉ. Nhà vô địch thế giới cũng bị loại ở vòng 16 đội một cách đầy cay đắng trước Thuỵ Sỹ, với cú sút luân lưu hỏng của Mbappe.
Sao trẻ khác cũng rơi vào khủng hoảng khi thất bại trên chấm luân lưu trước một cú sút quyết định là Saka. Đáng nói nó diễn ra trong trận chung kết và người Ý với sự xuất sắc của Donnarumma đã đăng quang châu Âu chỉ 3 năm sau khi họ không thể dự World Cup 2018. Nhưng trớ trêu thay bởi sau đó, thầy trò Mancini lại không vượt qua được vòng loại World Cup 2022 một cách trực tiếp, và rơi vào chung nhánh đấu với Bồ Đào Nha để cạnh tranh tấm vé vớt đến Qatar vào năm sau.
4/ Messi giành danh hiệu đầu tiên với đội tuyển và QBV thứ 7
Diễn ra gần như cùng lúc với Euro là Copa America. Nơi Messi có hành trình tuyệt vời và đã đánh bại Brazil ở trận chung kết để lên ngôi. Đây là danh hiệu lớn đầu tiên mà El Pulga có được cùng với tuyển Argentina sau nhiều năm vô duyên.
Chiếc cúp đó giúp tiền đạo này hoàn thành bộ sưu tập 7 viên ngọc rồng Quả bóng Vàng. Messi vượt qua Lewandowski một cách sít sao trong cuộc bầu chọn. Anh cũng gợi ý BTC nên trao Quả bóng Vàng 2020 cho cầu thủ người Ba Lan, sau khi giải thưởng này bị huỷ hồi năm ngoái. Dù vậy điều đó khó có thể trở thành sự thật.
Xem thêm: