Môi trường bóng đá Nhật Bản là nơi luôn có sức hút lớn với các cầu thủ Việt Nam trong quá khứ.
Công Phượng sẽ có lần thứ 2 chơi bóng tại môi trường bóng đá Nhật Bản. Trong quá khứ, cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo CLB HAGL từng có 1 năm chơi bóng tại J.League 2 cho Mito Hollyhock. Ở tuổi 21, Công Phượng chỉ được ra sân vỏn vẹn 80 phút và chủ yếu được sử dụng ở các giải trẻ.
Đồng đội cũ của Công Phượng trong màu áo HAGL cũng như ĐT Việt Nam là Tuấn Anh từng có quãng thời gian chơi bóng cho chính Yokohama FC - CLB mà Công Phượng sẽ khoác áo ở mùa giải tới. Trong chuyến xuất ngoại của mình, Tuấn Anh thậm chí còn không ra sân bất cứ phút nào cho đội 1. Anh chỉ xuất hiện 1 lần trên băng ghế dự bị và phải đối chọi với chấn thương đầu gối dai dẳng.
Văn Lâm chuyển tới Cerezo Osaka sau những bất đồng với Muangthong United. Được kỳ vọng rất nhiều khi là thủ môn đầu tiên chơi bóng cho một CLB nước ngoài, song Văn Lâm chỉ được ra sân 1 trận đấu tại Cúp Hoàng đế và 1 trận đấu tại AFC Champions League. Chấn thương dài hạn là nguyên nhân Văn Lâm không được trọng dụng tại Cerezo Osaka.
Công Vinh là trường hợp hiếm hoi của bóng đá Việt Nam “xuất ngoại” thành công. Tiền đạo xứ Nghệ gia nhập Consadole Sapporo vào năm 2013 và phần nào chiếm được lòng tin của ban huấn luyện. Công Vinh ghi 2 bàn sau 9 trận tại J.League 2, nhưng quyết định trở về Việt Nam dù được đội bóng Nhật Bản đề nghị ở lại.
Tháng 3/2022, 4 cầu thủ của CLB Sài Gòn sang Nhật chơi bóng bao gồm Phạm Văn Luân, Vũ Hồng Quân (FC Ryukyu thuộc J.League 2), Bùi Ngọc Long, Nguyễn Văn Sơn (FC Azul Claro Numazu thuộc J.League 3). Chỉ có Phạm Văn Luân được trao cơ hội khi thường xuyên góp mặt trên băng ghế dự bị và được vào sân ở 1 trận đấu tại J.League 2.
Xem thêm: