V-League lúc này vẫn tồn tại nghịch lý, khi khâu chăm sóc y tế chưa được đầu tư đầy đủ, dù chi phí lương cũng như lót tay cho cầu thủ đã tăng chóng mặt.
Ở V-League hiện tại, một cầu thủ làng nhàng cũng đã có phí lót tay tầm vài trăm triệu/năm. Những người khá hơn – chẳng hạn như các ngôi sao trẻ U23 Việt Nam – hoàn toàn có thể bỏ túi 1 tỷ/năm. Còn đối với tầm cỡ tuyển thủ quốc gia, tiền lót tay đâu đó phải 4-5 tỷ, thậm chí nhiều hơn. Đơn cử như Bùi Hoàng Việt Anh nhận 5,5 tỷ/mỗi năm từ Công An Hà Nội, còn Becamex Bình Dương trả cho Quế Ngọc Hải tận 6 tỷ một mùa.
Đó là chưa kể tiền lương vào khoảng 80-100 triệu/tháng đối với hàng sao số. Theo mặt bằng chung, chi phí trả cho cầu thủ mỗi năm ngốn khoảng 60-70% ngân sách của một đội bóng V-League – tức “bèo” nhất cũng phải 30 tỷ.
Ngẫm ra, đội bóng mua ngôi sao cũng giống như người giàu mua xe sang. Mang xe về đâu thể cứ vặn ga là chạy, mà còn phải biết cách vận hành hợp lý, thường xuyên bảo dưỡng, chăm sóc. Phí “chăm” xe có nhiều, nhưng như vậy còn đỡ hơn lúc “sửa” xe gấp mấy lần.
Từ chuyện chơi xe, nhìn sang V-League mới thấy nghịch lý khi sức khỏe của các ngôi sao bạc tỷ không được coi trọng đúng mức. Giáo án thể lực và khâu trị liệu sau trận vẫn còn rất nghèo nàn. Rồi khi cầu thủ chấn thương, nhiều CLB chỉ biết vung tiền ra chữa chứ chưa đề cao công tác hồi phục, thiết kế các bài tập sao cho phù hợp.
Nghịch lý tại V-League
Theo báo Thanh Niên thì chỉ 1 đội ở Việt Nam có bác sĩ nước ngoài, đó là Thể Công Viettel. Một vài đội máu mặt khác như Hà Nội FC, Công An Hà Nội hay Nam Định sử dụng HLV thể lực ngoại. Nhiều đội tầm trung và nghèo thì chỉ thuê bác sĩ nội, thậm chí còn không đưa chuyên gia thể lực vào BHL. Trong khi đó, trình độ nhân viên trị liệu vật lý trong nước lại chẳng đâu vào đâu.
Ông Jernej Kamensek – cựu Giám đốc Kỹ thuật Bình Định, thừa nhận:
“Nói ra khó nghe, nhưng rất nhiều HLV Việt Nam đang hại cầu thủ bằng những buổi tập quá nặng, kéo dài trên mặt sân kém chất lượng. Có những HLV còn cho tập thể lực bằng kiến thức từ vài chục năm trước, nay đã rất lạc hậu. Các cầu thủ cũng không được hồi phục, massage đúng cách sau buổi tập.”
Khâu y tế kém bài bản và khoa học khiến cầu thủ V-League dễ dính chấn thương, mà đã chấn thương thì dễ tái phát và lâu lành. Điều đó vừa ảnh hưởng đến chất lượng đội bóng, vừa làm phung phí tiền bạc. Nếu bỏ ra tầm 1 tỷ mỗi mùa cho 1 chuyên gia thể lực có bằng cấp hẳn hỏi, V-League sẽ tiết kiệm được không ít tiền chữa trị chấn thương và còn nâng cao tuổi nghề cho các ngôi sao.
NHẬN ĐỊNH: KHÁNH HÒA - LPBANK HAGL | KỊCH BẢN NÀO CHO TRẬN "CHUNG KẾT NGƯỢC" Ở PHỐ BIỂN?
Xem thêm: