Phòng ngự phản công đạt giới hạn, chú trọng kiểm soát chưa hiệu quả, ĐT Việt Nam thật sự gặp khó trong quá trình nâng tầm.
HLV Park Hang Seo đã đưa bóng đá Việt Nam đạt tới cực thịnh về mặt thành tích nhờ lối đá phòng ngự phản công lợi hại. Song ông gặp khó trong việc nâng cấp đội bóng ở giai đoạn cuối khi các đối thủ dần bắt bài và phòng ngự kín kẽ hơn, nhiều trụ cột sa sút và liên tục chấn thương vì cày ải.
ĐT Việt Nam không phù hợp với triết lý của HLV Troussier?
VFF đặt mục tiêu dự VCK World Cup 2026 hoặc 2030, vì thế tuyển Việt Nam cần một bước tiến mạnh mẽ hơn trong lối chơi, cụ thể là khâu tấn công. Khi Rồng vàng đã gặp rất nhiều khó khăn ở vòng loại World Cup thứ ba 2022 vì phòng ngự phản công là không đủ để giành được nhiều điểm số trước những đối thủ hàng đầu châu lục.
HLV Philippe Troussier là người được chọn. Ông cũng có định hướng muốn xây dựng lối đá triển khai từ phần sân nhà, với bóng ngắn, ít chạm là chủ đạo. Song lại đang gặp vô vàn khó khăn để thu được hiệu quả từ triết lý đó.
Vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan khiến nhà cầm quân người Pháp đang gặp khó. Lập tức xuất hiện nhiều ý kiến rằng người Việt Nam không phù hợp với lối đá tấn công như vậy. Khó để trả lời thỏa đáng điều đó. Nhưng nên nhớ, V-League nhiều năm qua chuộng lối chơi bóng dài, bóng bổng hơn vì hầu hết các đội đều dùng tiền đạo ngoại.
Vì sao HLV Troussier ưu tiên cầu thủ trẻ?
Có thể thấy ông Troussier muốn Việt Nam kiểm soát được nhiều bóng hơn. Nhưng các học trò của ông lại gặp khó khi giữ bóng và phối hợp với nhau bên phần sân đối thủ. Khi mà các đội tạo ra những tuyến pressing từ giữa sân hợp lý như cách Indonesia triển khai sẽ khiến các cầu thủ Việt Nam liên tục phải trả bóng về.
Rõ ràng, có lý do để thật sự đặt dấu hỏi về tính phù hợp trong cách áp dụng lối đá triển khai từ sân nhà, phối hợp nhỏ, một chạm hiện nay của Việt Nam. Lứa một HAGL là thế hệ hiếm hoi chơi theo cách gần như vậy. Nhưng hiện không còn nhiều người trong số họ đạt phong độ cao, và đáp ứng đủ thể lực lẫn chất lượng chơi bóng để cạnh tranh với các đối thủ mạnh như ở Asian Cup.
Ngoài ra, phải nhấn mạnh rằng lứa cầu thủ trên của HAGL được ăn tập từ nhỏ cùng với nhau theo triết lý như vậy. Trong khi các cầu thủ Việt Nam hiện nay đều quen với phòng ngự phản công từ V-League cho đến thời thầy Park ở các cấp độ U23 lẫn ĐTQG. Nên mới dẫn đến việc HLV Troussier thay máu mạnh mẽ và trọng dụng nhiều cầu thủ trẻ như hiện nay.
Bài toán khó
Vậy rốt cuộc nếu muốn mạnh lên, tuyển Việt Nam nên đi theo hướng nào? Tìm một HLV giỏi phòng ngự phản công hơn và hiểu bóng đá Việt Nam hơn thầy Park? Kiên nhẫn với ông Troussier và các HLV có tư tưởng tương tự, đồng thời áp dụng triết lý tấn công đó vào việc đào tạo các cầu thủ trẻ cũng như cần thêm nhiều đội ở V-League xây dựng lối đá kiểm soát, một chạm, phát triển từ phần sân nhà như vậy? Đâu cũng đều là những bài toán nan giải cho VFF.
Xem thêm: