Mua cầu thủ ồ ạt, liệu Saudi có đi vào vết xe đổ Trung Quốc?

- Thứ Ba, 04/07/2023, 09:03
Theo dõi SABAVN trên google-news-text

Việc vung tiền tấn vào các cầu thủ đã qua sườn dốc phong độ khiến người ta lo ngại cho cách làm bóng đá của đất nước dầu mỏ.

Mới đây, giám đốc điều hành UEFA ông Aleksander Ceferin đã nhận xét về tình trạng các CLB của Saudi ồ ạt chi tiền vào thị trường chuyển nhượng như sau: “Việc mua những cầu thủ sắp kết thúc sự nghiệp không phải cách đúng để phát triển bóng đá. Đây là nước đi sai lầm như Trung Quốc đã làm.”

Liệu nhận định của ông Ceferin có đúng? Ta hãy nhìn lại thời điểm đất nước tỷ dân tạo ra cơn sốt chuyển nhượng.

Trung Quốc vung tiền mua cầu thủ

Khoảng những năm 2016, 2017 là thời điểm thị trường chuyển nhượng của giải đấu Chinese Super League cực nóng khi mang về rất nhiều ngôi sao tên tuổi như Oscar, Carlos Tevez, Didier Drogba, Nicolas Anelka…Các CLB Trung Quốc đã chi hơn 300 triệu bảng để thực hiện các thương vụ mua người.

Oscar là một trong những ngôi sao nổi tiếng gia nhập CSL
Oscar là một trong những ngôi sao nổi tiếng gia nhập CSL

Thành công trước mắt là các đội bóng nước họ lôi kéo được nhiều khán giả đến xem và giành được những chức vô địch cấp độ châu lục. Tuy vậy, điều đó không giúp ích gì cho ĐTQG khi họ vẫn không có bất kỳ sự tiến bộ nào. Giờ đây, các CLB đang lao vào cảnh nợ nần, phá sản, dính líu đến tham nhũng do cách làm bóng đá theo tính nhất thời này.

Thời của Saudi

Giờ thì Ả Rập Xê Út trở thành điểm đến hàng đầu của những cầu thủ muốn kiếm tiền. Cristiano Ronaldo là người khởi đầu xu hướng khi gia nhập Al-Nassr tháng 12 năm ngoái. Sau đó, những sao lớn khác như Karim Benzema, N’Golo Kanté, Rúben Neves, Kalidou Koulibaly, Édouard Mendy cũng bị thu hút bởi mức thù lao hấp dẫn. Chắc chắc làn sóng ‘di cư’ sẽ không dừng lại trong thời gian tới.

Ronaldo khởi xướng phong trào
Ronaldo khởi xướng phong trào

Trung Quốc đã mắc sai lầm gì?

Việc Chinese Super League vung tiền chịu ảnh hưởng lớn bởi yếu tố chính trị. Trước khi trở thành chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình cho biết bản thân có 3 điều ước về bóng đá: Tham dự World Cup lần thứ 2, đăng cai tổ chức World Cup và cuối cùng là vô địch. Các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các nhà phát triển bất động sản đã tham gia, tiếp quản các CLB và chi ra tiền khủng để tìm kiếm các lợi ích về chính trị.

Sau một thời gian, suy giảm kinh tế, đặc biệt là trong thị trường bất động sản đã khiến các công ty chủ quản phải ‘bỏ của chạy lấy người’, tiêu biểu là các CLB Jiangsu FC, Chongqing, Hebei, Guangzhou Evergrande.

Nhà vô địch AFC Champions League, Guangzhou Evergrande phải giải thể
Nhà vô địch AFC Champions League, Guangzhou Evergrande phải giải thể

Hiện tại, do lo ngại về lượng tiền mặt quá lớn chảy khỏi đất nước, Chính phủ đã áp đặt ‘thuế chuyển nhượng’ nhằm hạn chế việc CLB chi tiêu quá nhiều vào các bản hợp đồng ngoại binh. Giờ Trung Quốc không còn là điểm đến thu hút nữa.

Saudi sẽ làm tốt hơn?

Khác với Trung Quốc, Saudi xác định việc chiêu mộ các cầu thủ lớn là một phần trong chiến lược quốc gia do Thái tử Mohammed bin Salman nghĩ ra nhằm biến quốc gia này thành một trung tâm thể thao toàn cầu, giúp nền kinh tế phát triển đa dạng, không còn phụ thuộc vào dầu mỏ.

Đồng thời, nó sẽ giúp giới thiệu Saudi với khán giả trong và ngoài nước như một điểm đến kinh doanh, giải trí, du lịch hiện đại, năng động và sáng tạo, đồng thời, khuyến khích người dân nước này chơi thể thao nhiều hơn.

Liên đoàn bóng đá sẽ góp phần vào những tham vọng lớn đó, dẫn đầu bởi 4 ông lớn: Al-Nassr, Al-Hilal, Al-Ittihad và Al-Ahli. Họ sẽ là đầu tàu để kéo giải đấu lọt vào top 10 thế giới về doanh thu kiếm được.

Có thể thấy, Saudi không chỉ có nguồn tiền dồi dào hơn Trung Quốc để làm bóng đá (Quỹ đầu tư công có 500 tỷ bảng) mà vốn dĩ họ cũng có nền tảng bóng đá vững mạnh hơn. Các CLB lẫn đội tuyển quốc gia đều nằm trong top đầu khu vực.

Ngoài ra, có thể thấy môi trường sống của Saudi cũng dễ chịu hơn. Ronaldo thường xuyên cập nhật thông tin bản thân trên trang Instagram của mình. Trong khi đó, các ngôi sao ở Trung Quốc lại khó tiếp cận các trang mạng xã hội do sự kiểm soát của chính phủ.

Nhưng cũng phải nhắc lại, môi trường bóng đá ở Saudi không hẳn là hoàn hảo. Các CLB nước này cũng từng hoạt động kém hiệu quả và lâm vào cảnh nợ nần cách đây ít năm đến nỗi thái tử phải can thiệp và nhảy vào giải quyết.

Buổi ra mắt hoành tráng của Benzema

Xem thêm: