Man United và nhà Glazer: Thành tích lụi tàn, thương mại bay cao

- Chủ Nhật, 31/12/2023, 07:00
Theo dõi SABAVN trên google-news-text

Quyền quản lý các hoạt động thể thao của Man United cuối cùng đã thuộc về Sir Jim Ratcliffe, qua đó giúp Quỷ đỏ thoát khỏi thời kỳ tăm tối dưới thời nhà Glazer.

Đã hơn một năm kể từ khi nhà Glazer thông báo bán Man United và cuối cùng, nửa đỏ thành Manchester đã chính thức hoàn thành quá trình đổi chủ. Sir Jim Ratcliffe cùng tập đoàn INEOS đã mua lại 25% cổ phần Man United và quyền phụ trách các hoạt động thể thao của đội bóng.

Sir Jim Ratcliffe sẽ phụ trách các hoạt động thể thao của Man United.
Sir Jim Ratcliffe sẽ phụ trách các hoạt động thể thao của Man United.

Nhà Glazer đến với Man United như thế nào?

Quay trở lại quá khứ, khi Man United thua Liverpool trong trận chung kết League Cup 2003, doanh nhân Malcolm Glazer đã chi khoảng 9 triệu bảng để mua 2,9% cổ phần Quỷ đỏ. Đến cuối tháng 11 năm ấy, ông đã nắm trong tay 15% cổ phần Man United.

Dần dần, tầm ảnh hưởng của nhà Glazer tại Man United ngày càng lớn. Gia đình doanh nhân đến từ Mỹ kiểm soát hoàn toàn Man United vào tháng 6/2005 với tổng số cổ phần là 75%.

Tuy nhiên nhà Glazer không mua bán theo cách thông thường. Họ dùng đòn bẩy tài chính để mua lại Man United với giá 790 triệu bảng, khiến chính đội bóng gánh khoản nợ 525 triệu bảng. Nói đơn giản, nhà Glazer vay tiền ngân hàng để mua Man United bằng tài sản thế chấp chính là… Man United (tất nhiên, về mặt kinh tế, câu chuyện phức tạp hơn thế).

Nhà Glazer dùng “mẹo” để mua Man United.
Nhà Glazer dùng “mẹo” để mua Man United.

Chuyên gia tài chính bóng đá Kieran Maguire cho biết các ngân hàng thời đó tỏ ra dè dặt và đề phòng nhà Glazer nên đã tính mức lãi suất rất cao lên đến 14,25%. Chính cách thức mua bán đầy rủi ro này đã khiến Ngoại hạng Anh thống nhất việc giới hạn các khoản mua lại bằng đòn bẩy tài chính chỉ ở mức khoảng 65% giá trị đội bóng để ngăn chặn những thương vụ mua lại kiểu như vậy xảy ra.

Cỗ máy in tiền

Cách thức mua lại Man United của nhà Glazer chứa đầy rủi ro với những lo ngại các khoản nợ phát sinh dẫn đến vỡ nợ. Nhưng kịch bản ấy đã không xảy ra và Quỷ đỏ trở thành cỗ máy in tiền dành cho giới chủ Mỹ.

Tháng 4/2006, Man United ký hợp đồng tài trợ áo đấu béo bở với AIG. Tiền bản quyền truyền hình của đội bóng tăng lên và sức chứa của Old Trafford cũng được mở rộng.

Tháng 8/2012, Manchester United được niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York, nhiều người kỳ vọng số tiền thu được từ việc bán cổ phiếu sẽ dùng để trả nợ cho Man United. Nhưng cuối cùng nó lại chảy thẳng vào túi của gia đình Glazer.

Bất chấp vấn đề ở thượng tầng, Sir Alex Ferguson vẫn đưa Man United đến thành công.
Bất chấp vấn đề ở thượng tầng, Sir Alex Ferguson vẫn đưa Man United đến thành công.

Giai đoạn này, Man United vẫn đạt được rất nhiều thành công trên sân cỏ nhờ tài năng của Sir Alex Ferguson, trong đó mấu chốt quan trọng là mối quan hệ giữa Sir Alex và nhà Glazer được duy trì tốt nhờ cầu nối là CEO David Gill.

Thành tích đi xuống, thương mại đi lên

Đến khi Sir Alex Ferguson giải nghệ, những vấn đề của Man United mới dần bị phơi bày, trước hết chính là thành tích trên sân cỏ. Nhưng trong bối cảnh đó, thương mại của đội bóng vẫn tiếp tục phát triển.

Năm 2014, Man United ký hợp đồng kỷ lục 750 triệu bảng có thời hạn 10 năm với Adidas. Mùa hè vừa qua, đôi bên ký tiếp hợp đồng 900 triệu bảng, kỷ lục trong lịch sử Ngoại hạng Anh. Doanh thu thương mại của Man United tăng từ 44 triệu bảng vào năm 2005 lên hơn 300 triệu bảng vào năm 2023.

Cựu CEO Ed Woodward từng khẳng định vào năm 2018: “Thành tích thi đấu không thực sự có tác động đáng kể đến khía cạnh thương mại của Man United.”

Ed Woodward từng là nỗi “ám ảnh” của CĐV Man United.
Ed Woodward từng là nỗi “ám ảnh” của CĐV Man United.

Xét về mặt thương mại, Ed Woodward rõ ràng làm quá tốt nhiệm vụ được giao. Vấn đề lớn nhất của Man United là ông lại phụ trách thêm cả khía cạnh thể thao sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu. Dưới thời một CEO không có chuyên môn về bóng đá, Quỷ đỏ tiêu rất nhiều tiền trên thị trường chuyển nhượng nhưng không thu lại được kết quả khả quan.

Kết luận

Đến nay, làn sóng phẫn nộ đối với gia đình Glazer vẫn chưa khi nào nguội bớt. Thành tích yếu kém, cơ sở hạ tầng Old Trafford thì ngày càng xập xệ và tổng nợ hiện tại của Man United là 612 triệu bảng.

Dẫu còn quá sớm để khẳng định Sir Jim Ratcliffe sẽ giúp Man United trở lại thời hoàng kim được hay không nhưng chắc chắn, ông cùng các cộng sự có rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới.

MAN UNITED - ASTON VILLA | BOXING DAY BÙNG NỔ, LẦN ĐẦU CỦA RASMUS HOJLUND | NGOẠI HẠNG ANH 23/24

Xem thêm:

Man United

Ngoại hạng Anh

Nhà Glazer