Không ít người hâm mộ Việt Nam đã đặt ra câu hỏi vì sao không áp dụng VAR, sau nhiều quyết định gây tranh cãi của các trọng tài trong trận thua trước Voi chiến.
Cuộc thư hùng giữa Việt Nam vs Thái Lan đã phần nào cho thấy nhiều lỗ hổng ở công tác cầm còi tại AFF Cup 2020. Sau trận, HLV Park Hang Seo đã kiến nghị VAR nên xuất hiện ở giải này tại lần tới. Trong khi đó, thuyền trưởng của Indonesia cũng đồng quan điểm với chiến lược gia đồng hương. Ông Shin Tae Yong nói: “Công nghệ nên được đưa vào thể thao vì trọng tài đôi khi không thể chính xác 100%. Trận Việt Nam và Thái Lan cũng có những quyết định phạt đền không đúng”.
Thực tế, hiện nước chủ nhà của AFF Cup 2020 chỉ có một trọng tài được cấp chứng chỉ VAR, đó là ông Muhammad Taqi Aljaafari. Trong khi đó ở Việt Nam - đội tuyển vừa tham gia vòng loại thứ 3 World Cup 2022 (nơi VAR được áp dụng), cũng chỉ duy nhất nữ trọng tài Bùi Thị Thu Trang là người đầu tiên tiếp cận công nghệ này tại UAE. Đặc biệt, cả hai đều không dự AFF Cup 2020.
“Rất nhiều vấn đề liên quan đến VAR, không chỉ đơn giản là thiết bị. Ngoài việc phải có giấy phép, các trọng tài VAR ở trong phòng và ngoài sân cũng cần được được đào tạo và cấp chứng chỉ. Một thực tế cần thừa nhận là không có nhiều trọng tài được làm quen với công nghệ này ở Đông Nam Á”, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Thái Lan - Patit Supaphong gần đây chia sẻ trên Bangkok Post.
Ngoài vấn đề con người, thì chi phí cho việc đưa VAR vào một trận đấu cũng là cản trở nhất định đối với khu vực được xem như “vùng trũng” của bóng đá thế giới. Theo đó, cần khoảng 100 tỷ đồng để lắp đặt hạ tầng với 33 máy quay ở 33 góc khác nhau,... Ít nhất 4 tỷ đồng để vận hành mỗi trận (tại Đông Nam Á thì đây là chi phí mà Thai League từng bỏ ra).
Xem thêm: