LĂNG KÍNH: Điểm tích cực và hạn chế khi ĐT Việt Nam kiểm soát bóng

- Thứ Tư, 11/10/2023, 13:29
Theo dõi SABAVN trên google-news-text

Màn trình diễn trước Trung Quốc đã nói lên nhiều điều về khả năng của các cầu thủ Việt Nam trong việc triển khai triết lý của HLV Philippe Troussier.

Thất bại 0-2 sẽ không khiến nhà cầm quân người Pháp từ bỏ mục tiêu xây dựng lối chơi kiểm soát bóng. Trong cuộc họp báo sau trận đấu, ông Troussier còn nhận xét tích cực về nỗ lực của các cầu thủ khi phải thích nghi với lối đá mới.

Chiến lược gia 68 tuổi đủ cơ sở để cảm thấy như vậy. ĐT Việt Nam có nhiều thời điểm thực hiện tốt nguyên tắc nền tảng của triết lý “định hướng vị trí” khi luân chuyển bóng bên phần sân nhà, đó là tìm ra một cầu thủ tự do trước sức ép từ đối phương.

Chiến thuật rõ ràng

Cấu trúc 3 trung vệ (Duy Mạnh, Ngọc Hải, Tuấn Tài) cộng với 2 tiền vệ trung tâm (Tuấn Anh, Hùng Dũng), thêm vào đó là những tình huống lùi về của Hoàng Đức đảm bảo ĐT Việt Nam dư người để nhận bóng. Dĩ nhiên phải nói rằng Trung Quốc không thực hiện pressing quá rát khi thường chỉ bố trí 5 người, nhưng cần ghi nhận ý đồ của ông Troussier.

Cấu trúc của ĐT Việt Nam. Trong ảnh, Ngọc Hải tung đường chuyền xuyên tuyến cho Hoàng Đức - người giật về để tìm khoảng trống sau lưng lớp pressing của Trung Quốc (Ảnh: FPT)
Cấu trúc của ĐT Việt Nam. Trong ảnh, Ngọc Hải tung đường chuyền xuyên tuyến cho Hoàng Đức - người giật về để tìm khoảng trống sau lưng lớp pressing của Trung Quốc (Ảnh: FPT)

Rồng Vàng không thiếu những giai đoạn thực hiện liên tiếp 10-15 pha đập nhả một cách chỉn chu để “dụ” đối thủ, sau đó bình tĩnh thoát khỏi vòng vây rồi bất ngờ thực hiện một đường chuyền dài. Với các nền bóng đá phát triển trên thế giới, ý tưởng ấy đã trở thành cốt lõi. Trong tương lai, nó sẽ xuất hiện nhiều hơn ở các trận đấu của ĐT Việt Nam.

Một nét chấm phá thú vị nữa là các pha “tiki-taka” đến từ Những chiến binh Sao Vàng. Trên sân Đại Liên, xuất hiện không ít tình huống cầu thủ Việt Nam chuyền 1 chạm liên tục, khiến đối thủ phải chóng mặt.

Hạn chế

Khả năng phối hợp bên sân nhà mang đến tín hiệu lạc quan, nhưng vấn đề lớn hơn nằm ở 1/3 sân cuối cùng. Chất lượng trong những đường chuyền quyết định không cao, tương tự là các pha dứt điểm.

Thêm nữa, việc ban bật hay “tiki-taka” ở gần khung thành đối thủ thực sự rất khó. Bởi tại đó, chúng ta không dễ đạt được trạng thái áp đảo quân số. Ngay cả các đội bóng mạnh của châu Âu cũng có lúc chật vật trước một hàng phòng ngự 2 hoặc 3 lớp. HLV Troussier sẽ phải rèn luyện thêm mảng miếng tấn công cho các học trò để tăng tính đột biến, vì nếu chỉ cầm bóng mà không tạo nhiều cơ hội một cách liên tục thì cũng vô nghĩa.

Xem thêm:

ĐT Việt Nam

Philippe Troussier

ĐT Trung Quốc

Giao hữu Quốc tế