Kareem Abdul-Jabbar và Wilt Chamberlain, hai gã "khổng lồ" xuất sắc nhất làng bóng rổ NBA. Nhưng tiếc thay, giữa họ lại không thể tồn tại một tình bạn.
Phần lớn thế hệ sau này không mấy ai biết rõ về mối thâm thù giữa Kareem Abdul-Jabbar và Wilt Chamberlain - hai cầu thủ bóng rổ xuất sắc nhất mọi thời đại.
Quay ngược thời gian về năm 1971, hai ông lớn khi ấy đã có màn đối đầu với nhau tại Vòng chung kết giữa hai đội miền Tây. Một bên là Wilt đang bước vào tuổi xế chiều, bên kia là Kareem đang ở trong thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp. Thế nên không quá khó khăn để Bucks tiễn bước Lakers và trở thành người thống trị NBA.
Năm 1973, sau khi bị đánh bại bởi nhà vô địch của mùa giải khi ấy là Knicks, Chamberlain chính thức rời khỏi NBA.
Tuy nhiên, trận chiến giữa hai siêu sao vẫn chưa dừng lại ở đó. Sau khi “treo giày”, cựu tuyển thủ Lakers vẫn không ngừng đâm thọc Kareem, chỉ trích đàn em đã không cố gắng hết mình để mang về chiến thắng cho đội nhà. Cuộc chiến còn lên tới đỉnh điểm sau khi Kareem phá vỡ kỷ lục của Wilt, không hiểu lý do gì mà người đàn anh đã yêu cầu đàn em của mình hãy “về vườn” đi.
Người đàn em đó cũng đâu chịu để yên mọi chuyện. Sau khi chia tay sàn đấu, vào năm 1990, Kareem đã cho ra mắt cuốn tự truyện Giant Steps, với một phần trong cuốn sách được xem là tâm thư gửi đến thần tượng một thời của ông - Wilt Chamberlain.
Bên dưới là nội dung của bức thư của Kareem, được trích từ một bài đăng trên tờ Los Angeles Times.
“Đã bao lâu rồi anh Wilt nhỉ, kể từ ngày tôi trở thành mục tiêu châm biếm cho các bài viết của anh với giới báo chí. Bởi chuyện này dường như không có hồi kết, nên giờ đây tôi nghĩ mình nên nói hết ra suy nghĩ của mình.
Thường thì những ai đã đạt đến đỉnh cao sự nghiệp như anh sẽ cảm thấy hài lòng với những gì mình có. Dù gì, những thành tựu anh đạt được cũng đều khiến chúng tôi ngưỡng mộ và cả tá kỷ lục để chúng tôi theo đuổi. Vậy thì sao anh cứ cảm thấy ghen ăn tức ở? Tôi nghĩ mãi và bắt đầu đi tìm nguyên nhân cho sự khó chịu này.
Chắc hẳn nhiều người vẫn nhớ anh đã từng đổ quạu thế nào khi đội anh không thể vô địch giải NCAA. Anh rất tài năng và khả năng chơi bóng của anh thì ít ai sánh bằng. Vậy nên, nhiều người cứ quy chụp rằng anh chắc chắn là người gánh team. Nhưng sau ba hiệp phụ, không may thay Kansas lại để thua. Thế là từ đây anh bắt đầu đổi lỗi cho trọng tài, cho đồng đội, cho tất cả, rồi bỏ mặc tất cả để đến với Globetrotters. Tôi nhận ra anh là tuýp người sẽ đổ thừa cho mọi thứ xung quanh và rời đi một khi có khó khăn xảy đến và mọi chuyện không diễn ra như đúng ý nguyện.
Ở giải đấu chuyên nghiệp, ắt hẳn Bill Russell và Boston Celtics đã cho anh biết thế nào là cạnh tranh đúng nghĩa và tinh thần đồng đội. Những gì anh làm là chê bai đồng đội mình, tự nhận mình đã cố gắng hết khả năng. Bên cạnh đó, trọng tài còn chèn ép và bất công với anh. Thật khổ cho anh, Wilt ạ.
Đến năm 1967, 76ers vô địch NBA với chiến thắng vang dội vẫn còn lưu danh đến tận ngày nay. Nhưng chỉ trong năm tiếp theo, đội nhà lại không giành phần thắng, và đúng như dự đoán, một lần nữa anh lại quay lưng bỏ đi.
Đến Lakers và được thi đấu với đội bóng trong mơ thì rất là tuyệt, chỉ duy nhất một điểm trừ của họ, đó là cầu thủ thi đấu ở vị trí trung phong. Bill và Celtics đã lấy đi chức vô địch của anh hồi năm 1969, tiếp đó là Knicks vào năm 1970. Người ta vẫn thắc mắc những lúc như thế, Wilt đang ở đâu. Đã thành thông lệ, năm 1973, sau khi Lakers để vuột mất ngôi vị vô địch vào tay Knicks, anh đã chính thức giã từ bóng rổ, và không một lần quay lại nơi đây.
Chuyện tôi được anh đem ra làm mồi nhắm trở nên thường xuyên như cơm bữa. Ở Game 6 của mùa giải 1988, anh đã khẳng định: “Kareem đáng lẽ nên nghỉ hưu từ 5 năm trước.” Giờ tôi đã hiểu vì sao anh lại nói thế. Nếu tôi từ bỏ mọi thứ vào đúng thời điểm anh đề cập, đó chính xác là ngay sau trận thua bẽ bàng trước 76ers. Nhưng tôi không phải là anh, tôi vẫn ở lại để chiến đấu. Tôi tin vào chính mình và tin tưởng Lakers.
Trong bốn mùa giải từ 1985 đến 1988, Lakers đã có đến ba lần vô địch. Hai đội bóng anh từng tham gia đã vô địch vào năm 1967 và 1972, họ không có sự ổn định và quyết tâm mà Lakers những năm 80 có được, và điều đó làm anh khó chịu. Tất cả chỉ vì sự ghen tị mà thôi, tôi hiểu.
Giờ đây khi tôi đã giải nghệ, mọi người sẽ nhớ về tôi là người luôn sát cánh với đồng đội, giúp tập thể chiến thắng. Còn nhắc về anh, người ta ắt hẳn sẽ nghĩ đến một người thích ca cẩm, dễ dàng từ bỏ, chỉ ngần ấy thôi.”
Ái chà, thật là quân tử mười năm trả thù vẫn chưa muộn. Bao nhiêu dồn nén của Kareem trong những năm qua giờ đã được trút hết.
Rõ ràng, đúng như lời nói của Kareem, ngoài chức vô địch cùng 76ers vào năm 1967, Wilt chỉ có thêm một lần vô địch NBA vào năm 1972 trong màu áo Lakers. Ông giải nghệ vào hai năm sau khi đội nhà không thể giành chiến thắng.
Không ai có thể trả lời cho câu hỏi vì sao Wilt lại không thể có thêm nhiều "chiếc nhẫn" trong sự nghiệp lẫy lừng của mình.
Về vụ lùm xùm với Kareem, nói một cách khách quan, thì Wilt chính là người có lỗi, mặc cho bề dày thành tích đáng khâm phục của ông. Bên cạnh bức tâm thư ở trên, Abdul-Jabbar về hưu với bộ sưu tập giải thưởng đáng ngưỡng mộ: 6 lần đạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất NBA, 19 lần có mặt tại Ngày hội Ngôi sao (All-star), 6 lần vô địch NBA, và là tay ném cừ khôi nhất trong lịch sử NBA.
Kareem Abdul-Jabbar quả là tượng đài khó lòng xô ngã ngay cả trong tương lai.