Hai nhân vật kiệt xuất của làng thể thao đã chỉ ra nhiều nét tương đồng giữa bóng đá và cờ vua.
Hôm 9/11, Adidas đã đăng tải video trong đó hai huyền thoại làng túc cầu là Zinedine Zidane và Lionel Messi trò chuyện cùng nhau. Không chịu kém cạnh, Puma đã sắp xếp để siêu HLV bóng đá Pep Guardiola gặp gỡ Vua cờ Magnus Carlsen. Video được đăng tải trên kênh YouTube của Puma vào ngày 12/12.
Dưới đây là những ý chính trong cuộc hội thoại giữa Pep Guardiola và Magnus Carlsen, hai bộ não thiên tài đã khiến hàng triệu khán giả say mê bằng khả năng tính toán và tư duy phi thường.
*Lưu ý: Những dòng in đậm là lời của MC.
Pep, ông có yêu thích cờ vua không?
Pep: “Có chứ. Từ khi còn là một cậu bé, tôi đã bắt đầu chơi cờ. Bố tôi dạy cho tôi chút ít, nhưng tôi nhận ra tôi không thể đánh bại Magnus. Thế nên tôi tự nhủ ‘Thôi nghỉ vậy’. Đó là quyết định của tôi.”
Trở lại với anh, Magnus. Rất mong được nghe những gì anh biết về Pep Guardiola và tình yêu của anh dành cho bóng đá.
Magnus: “Vâng, tôi yêu bóng đá từ khi còn nhỏ. Tôi rất hay đá bóng, gần như mỗi ngày luôn. Tôi không về nhà sớm đâu, mà hay ở lại trường để đá bóng. Rồi sau đó tôi mới về nhà và chơi cờ. Hóa ra tôi chơi cờ giỏi hơn [đá bóng], nên tôi tiếp tục hành trình đó.”
Anh có thấy sự tương đồng nào giữa cờ vua và bóng đá không?
Magnus: “Tất nhiên rồi. Tôi nghĩ cả trong cờ vua và bóng đá thì điều quan trọng là phải kiểm soát khu vực trung tâm. Nếu kiểm soát được trung tâm, bạn sẽ kiểm soát được sân đấu hoặc bàn cờ.
Thêm một điều nữa là trong cờ vua, nhiều khi bạn tấn công ở một bên, buộc đối phương phải dồn quân sang và rồi bạn chuyển hướng. Vậy là bạn sẽ có lợi thế ở bên còn lại. Xét về mặt không gian, cờ vua và bóng đá rất giống nhau.”
Pep, chắc ông rất ấn tượng với những lời đúc kết từ Magnus nhỉ?
Pep: “Quá chuẩn. Những gì cậu ấy nói hoàn toàn đúng. Tôi nghĩ cách bạn tấn công phụ thuộc vào cách di chuyển của đối thủ. Vậy nên bạn phải chú ý, phải hiểu đối phương làm gì trong từng khoảnh khắc để phản ứng.
Ví dụ như Magnus, cậu ấy có thể dành 2 giờ đồng hồ để đi nước tiếp theo. Chúng tôi thì chỉ có một giây để phản ứng hoặc chiếm vị trí. Nó phù thuộc vào diễn biến của trận đấu.”
Hãy đến với một video mà có lẽ nhiều cổ động viên của [Manchester] City sẽ nhớ. Pep, tôi không biết ông có nhận ra ngay lập tức hay không. Đây là bàn thắng được ghi bởi Phil Foden trong trận gặp Nottingham Forest.
Pep: “À tôi có nhớ bởi vì nó đến ở mùa giải này. Giống như Magnus đã nói, đôi khi bạn có bóng bên cánh trái và rồi tấn công bên cánh phải.
Trong những tình huống như thế này, phải kiên nhẫn, chờ đến khi thời cơ xuất hiện thì trừng phạt đối thủ. Bạn phải cẩn thận, tránh mất bóng và bị phản công. Vì có khoảng trống lớn nên cầu thủ đối phương có thể chạy vào.
Bóng ở cánh trái, có người di chuyển bên cánh phải, chạy ra sau lưng hàng phòng ngự và rồi dẫn tới pha dứt điểm.
Quá trình giống như Magnus đã nói, tấn công ở một bên, thu hút quân số,… Đường chuyền của Rodri, của Kyle [Walker] và cú sút của Phil đều rất chất lượng.”
Magnus, sự kiên nhẫn quan trọng như thế nào trong cờ vua? Bởi vì Pep cũng vừa mới nói về sự kiên nhẫn, việc phát triển bóng và những điều tương tự như vậy.
Magnus: “Điều đó cũng thường xảy ra trong cờ vua. Bạn xoay sở, cố gắng tìm ra điểm yếu, và khi đối thủ sơ hở, mọi thứ sẽ diễn ra rất nhanh.”
Hãy xem một video của anh, Magnus. Đây là trận anh gặp Wesley So… Làm sao anh giữ bình tĩnh trong một tình thế áp lực như vậy?
Magnus: “Đôi khi bạn chỉ cố bình tĩnh hơn đối thủ một chút. Thông thường trong những khoảnh khắc quyết định, tôi cố gắng chậm lại một chút nếu còn thời gian, tập trung hít thở thật chậm. Nếu cách đó không hiệu quả thì tôi sẽ gặp rắc rối.”
Câu hỏi tương tự dành cho ông, Pep. Ông đã làm cách nào để kiểm soát cảm xúc?
Pep: “Đôi khi bạn biết vấn đề nằm ở đâu. Đôi khi bạn lại chẳng biết chuyện gì đang diễn ra. Trong khoảnh khắc đó, như Magnus nói, hãy hít thở sâu, thư giãn một phút, cho bản thân thời gian suy xét tình hình. Có thể ba hay năm phút sau bạn sẽ tìm ra giải pháp. Còn nếu cứ lo lắng, bạn sẽ không thể tìm ra đáp án đúng.”
Magnus, anh có hay thay đổi chiến thuật khi mọi thứ có dấu hiệu không đi đúng hướng? Hay anh sẽ bám sát theo kế hoạch ban đầu?
Magnus: “Cũng có đôi lúc như vậy. Tôi đổi chiến thuật dựa theo những gì đối thủ đang làm. Nếu thấy khó đánh bại đối thủ, đôi khi tôi sẽ thay đổi nhưng đôi khi tôi cũng bám theo kế hoạch. Nếu đối phương không phạm sai lầm, bạn không ghi được bàn thắng. Điều bạn có thể làm là khiến họ vất vả.”
Đây là một bàn thắng khác biệt, có thể nói là trái ngược với phong cách của Pep. Nó nằm ngoài sự chờ đợi của khán giả, nhưng dù sao thì cũng hiệu quả nhỉ?
Pep: “Người ta thường hỏi chúng tôi sẽ tấn công thế nào. Tôi đáp lại: ‘Bạn hãy cho tôi biết họ sẽ phòng ngự thế nào khi gặp chúng tôi?’.
Đây là trận gặp Brighton của ông bạn tôi – Roberto De Zerbi. Họ quyết định chơi 1v1. Như vậy có nghĩa là chỉ có Ederson không bị kèm. Mọi cầu thủ đều bị một người khác theo kèm.
Trong pha bóng đó, Erling [Haaland] di chuyển. Vì là 1v1, nên nếu bạn thắng pha tranh chấp, [bạn sẽ ghi bàn]. Thông thường tôi không thích cách chơi đó. Nhưng đôi khi bạn phải biết tận dụng.
Nếu có hai hay ba hậu vệ kèm Erling, chúng tôi sẽ không chơi như thế. Không bao giờ. Nhưng nếu là 1v1, tại sao lại không? Chúng tôi phải thích nghi, phải tấn công khác đi. Bàn thắng trước Nottingham và bàn thắng này là hai ví dụ hoàn hảo.”
Một trận chung kết nữa, một màn tấn công bậc thầy. Anh nhớ gì về trận đấu này, Magnus?
Magnus: “Đây là một pha phản công điển hình. Tôi bị gây áp lực trong phần lớn thời gian. Sau đó anh ấy mắc một sai lầm.
Như bạn nhìn thấy, có những khoảng trống xung quanh quân Vua của tôi. Nhưng đến một thời điểm nào đó, anh ấy để cho một quân cờ của tôi tiến vào và sau đó pha phản công diễn ra vô cùng mượt mà. Bỗng nhiên mọi quân cờ của tôi ở vào vị trí tấn công. Chỉ sau bốn hay năm nước đi, tôi chiếu bí.”
Anh từng chơi một trận gặp Ian kéo dài tới bảy tiếng rưỡi đồng hồ với 136 nước đi (ván 6, trận tranh chức vô địch thế giới năm 2021) . Anh cảm thấy thế nào sau cuộc marathon ấy?
Magnus: “Tôi thấy ổn. Tôi sẵn sàng chơi thêm. Bởi vì đó là thời điểm mấu chốt. Đó là thời điểm mà tôi đã chờ đợi sau 6 ván đầu tiên của trận chung kết đó.
Tôi nhớ rằng tôi đã rất bình tĩnh, vô cùng tập trung trong khoảng hai đến hai tiếng rưỡi cuối cùng. Lúc đó tôi còn hơi ít thời gian nhưng tôi biết đó là cơ hội của tôi. Tôi biết rằng nếu tôi thắng ván này, nhiều khả năng tôi sẽ có thêm một chức vô địch thế giới nữa. Phải nói là tôi sẵn sàng chơi thêm ba tiếng nữa nếu cần.”
Pep, bảy tiếng rưỡi chỉ đạo trên đường biên sẽ như thế nào nhỉ?
Pep: “Thôi tôi chịu. Không thể nào. Cậu ấy nói nghe có vẻ bình thường, nhưng người khác sẽ không thể tưởng tượng được việc phải tập trung vào đúng một việc trong bảy tiếng đâu. Tất nhiên đó là vì đam mê, tình yêu của cậu ấy. Đó là lý do cậu ấy chịu được và tại sao cậu ấy vô địch thế giới nhiều lần như vậy.”
Video cuộc trò chuyện giữa Pep Guardiola và Magnus Carlsen
Xem thêm: