European Super League đã chính thức được Tòa án Công lý châu Âu “bật đèn xanh” và Chủ tịch Florentino Perez khẳng định sự tự do đã chiến thắng.
Cách đây ít ngày, Tòa án Công lý châu Âu tuyên bố UEFA cùng FIFA đã có hành động vi phạm Luật cạnh tranh khi ngăn chặn việc thành lập European Super League vào năm 2021 và sau đó tìm cách xử phạt các đội bóng liên quan. Điều này đồng nghĩa với việc dự án tổ chức một giải đấu riêng được khởi xướng bởi Chủ tịch Florentino Perez của Real Madrid đã chính thức được hợp pháp hóa.
Trong tuyên bố chính thức sau khi phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu được công bố, Florentino Perez cho biết:
“Bóng đá châu Âu ở cấp độ CLB không và sẽ không bao giờ độc quyền nữa. Kể từ thời điểm này, các đội bóng sẽ làm chủ vận mệnh của chính mình. Một châu Âu tự do đã giành chiến thắng, bóng đá và người hâm mộ ngày nay cũng đã chiến thắng.
European Super League là một dự án hiện đại, hoàn toàn tương thích với các giải đấu quốc gia, dành cho tất cả mọi người, dựa trên thành tích thể thao và thực sự tôn trọng luật công bằng tài chính.”
Mục đích đằng sau của Florentino Perez
Quay trở lại năm 2021, khi công bố European Super League, Chủ tịch Florentino Perez nói rằng bóng đá sắp chết và giải đấu được lập ra để cứu môn thể thao vua. Là một nhà tư bản, Perez dĩ nhiên không tốt bụng đến thế. Đội bóng ông muốn cứu đầu tiên chắc chắn là Real Madrid.
Los Blancos không gặp vấn đề khó khăn về kinh tế để cần tiền từ European Super League (tất nhiên nó vẫn có ích), mà bởi vì cục diện giới bóng đá đã thay đổi khi những quốc gia Trung Đông như Qatar, UAE hay Saudi Arabia xuất hiện. Florentino Perez nhìn ra vấn đề đang tồn tại - ông nhìn ra được rằng những quốc gia Trung Đông đã cập bến hệ sinh thái bóng đá châu Âu và sẽ thay đổi cục diện môn thể thao này.
Champions League không phải tương lai của bóng đá
Super League hoàn toàn xuất phát từ lợi ích cá nhân của Florentino Perez nhưng ở thời điểm hiện tại, đó là phương án tốt nhất để đánh bật sự độc quyền, thậm chí là độc tài của UEFA.
Để đối phó với Super League, Aleksander Ceferin cùng UEFA đã quyết định thay đổi thể thức của Champions League từ mùa giải sau: đổi thể thức sang league (bảng xếp hạng tính điểm), tăng số đội, tăng số trận, có nhiều tiền hơn để chia cho các đội. Giải pháp này thực chất lại càng làm trầm trọng thêm vấn đề.
Thể thức mới tăng tính cạnh tranh cho trận đấu của các đội bóng lớn để bán được bản quyền truyền hình hơn, chứ cho Champions League thì không. Thể thức league ít tạo ra bất ngờ hơn, bởi một nguyên tắc cơ bản trong xác suất thống kê là hồi quy về trung bình.
Ví dụ, trong một trận đấu cụ thể, Man City có thể thua Luton. Nhưng nếu hai đội đá với nhau 100 trận, tỷ lệ thắng thua sẽ bình ổn về mức trung bình và phần thắng tổng thể sẽ nghiêng về The Citizens.
Càng đá league, các đội mạnh càng nổi lên trên, các đội yếu càng lặn xuống dưới. Thể thức mới của Champions League vì vậy không giải quyết được gì. Cuối cùng, chức vô địch vẫn chỉ là câu chuyện của một vài đội bóng lớn quen thuộc.
Super League cung cấp giải pháp gì?
Vấn đề cốt lõi chính là sự chênh lệch giàu nghèo giữa các đội bóng quá lớn. Đây là điều khó có thể giải quyết. Và Super League xuất hiện như một giải pháp khả thi nhất có thể.
Ở đề xuất ban đầu được đưa ra năm 2021, giải đấu bao gồm 15 đội bóng lớn khép kín cùng 5 đội khách mời đá theo thể thức league. Vậy các đội bóng còn lại thì sao?
Theo Florentino Perez, với khoản tiền khổng lồ kiếm được từ Super League, thu nhập sẽ chảy đến toàn bộ “kim tự tháp bóng đá châu Âu". Về cơ bản, đây là kinh tế nhỏ giọt. Học thuyết này cho rằng khi Chính phủ tạo điều kiện cho tầng lớp tư bản sở hữu tư liệu sản xuất (ví dụ như giảm thuế), tầng lớp tư bản sẽ dùng tiền đó đầu tư, phát triển các công ty, dự án và tạo điều kiện cho tầng lớp lao động có việc làm, có lương. Như vậy, lợi ích kinh tế sẽ được chảy từ đỉnh kim tự tháp xuống dưới.
Florentino Perez cùng với những người thành lập Super League đánh giá rằng với một cục tiền lớn họ mang về, sau khi các đội bóng lớn đã được hưởng, phần còn lại sẽ "chảy xuống" cho các đội bóng nhỏ. Và bởi vì đây là cục tiền lớn không phải chia cho UEFA, dù các đội ở dưới có nhận ít hơn các đội ở trên thì vẫn là nhiều tiền hơn so với hiện tại.
Kết luận
Ở thời điểm hiện tại, dự án Super League vẫn chỉ nằm trên giấy tờ. Muốn thay đổi là một chuyện, làm được hay không lại là một câu chuyện khác, nhất là khi hệ thống bóng đá châu Âu có quá nhiều lớp lang với những động lực mâu thuẫn với nhau. Nhưng dù sao đi nữa, bóng đá châu Âu đang đứng trước một trong những thay đổi lịch sử và có thể ảnh hưởng đến toàn bộ nền bóng đá thế giới.
EL CLASICO WORLD | REAL MADRID, BARCELONA KHÔNG THỂ VUI HƠN VÌ SUPER LEAGUE
Xem thêm: