Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định “Lâm Ta” vẫn là ưu tiên số 1 của thầy Park nếu anh hoàn toàn lành lặn.
Tại vòng loại cuối World Cup 2022, không thể phủ nhận ĐT Việt Nam đã phải đụng độ các hàng công quá mạnh. Bên cạnh đó, tuyến phòng ngự của Rồng Vàng cũng bộc lộ sự thiếu kinh nghiệm, khi đương đầu với những ngôi sao tấn công đầy ma mãnh và giàu kỹ thuật bậc nhất châu Á.
Tuy nhiên, với 6 bàn thua sau 4 trận và trở thành đội để lọt lưới nhiều nhất cả 2 bảng đấu, các thủ môn của Việt Nam thực chất vẫn có thể làm tốt hơn. Ngoài việc lọt lưới trên chấm 11m là bất khả kháng, Văn Toàn đã tỏ ra non nớt và chưa đủ bản lĩnh để bắt chính hay chỉ huy hàng phòng ngự trong các tình huống cố định.
Khó có thể trách găng thủ sinh năm 1999, khi trước Oman mới là lần đầu anh bắt chính trong một trận đấu chính thức của ĐT Việt Nam. Nếu không có chấn thương của Tấn Trường, ngày Văn Toản xuất phát từ đầu trên tuyển hẳn vẫn còn rất xa.
Về phần thủ môn của CLB Hà Nội, anh thực chất không mắc sai lầm trực tiếp nào kể từ đầu vòng loại. Tấn Trường cũng mạnh dạng trong việc chỉ huy hàng phòng ngự. Tuy nhiên, so về thể hình thì anh không thể bì được với Văn Lâm. Trước các tiền đạo cao to và ma mãnh, cầu thủ 35 tuổi sẽ không làm tốt bằng người đàn em trong các pha tranh chấp trên không cũng như bịt các góc sút.
Một điều mà Tấn Trường cũng chưa đạt yêu cầu là kỹ năng phát bóng. Điển hình là trong trận ra quân với Ả Rập Xê Út. Số đường chuyền chính xác của anh chỉ là 4, đạt tỷ lệ 14,3%. Trong khi đó, Văn Lâm khá hơn với 8 đường chuyền đúng địa chỉ với tỷ lệ 32% ở trận gặp Úc.
Đặc biệt, một trong những vũ khi lợi hại của “Lâm Ta” là những quả ném bóng mạnh và chuẩn, điều đó rất phù hợp với lối đá phản công của ĐTVN. Những khác biệt trên khiến sự vắng mặt của thủ thành sinh năm 1993 đang để lại một khoảng trống lớn trước khung gỗ của Các chiến binh Sao Vàng.
Xem thêm: