Không phải bất cứ cầu thủ nào, chính tân CEO Omar Berrada có lẽ mới chính là bản hợp đồng thành công nhất của Man United mùa đông này.
Sau hơn một năm kể từ khi nhà Glazer thông báo bán Man United, nửa đỏ thành Manchester đã chính thức hoàn thành quá trình đổi chủ. Sir Jim Ratcliffe cùng tập đoàn INEOS đã mua lại 25% cổ phần Man United và quyền phụ trách các hoạt động thể thao của đội bóng.
Vị tỷ phú người Anh hứa bản thân sẽ làm hết sức để đưa Quỷ đỏ trở lại thời hoàng kim và rất nhanh chóng, ông đã chứng minh đó không phải nói suông. Cách đây ít ngày, Man United bổ nhiệm Omar Berrada vào vị trí CEO của đội bóng. Đáng chú ý, Berrada chính là Giám đốc điều hành mảng bóng đá của City Football Group và là người góp công lớn vào sự phát triển của Man City những năm qua.
Đây có thể chính là bước ngoặt cho hành trình tìm lại vị thế vốn có của Man United.
Omar Berrada là ai?
Berrada là giám đốc điều hành bóng đá của City Football Group (CFG), công ty sở hữu Man City và 12 câu lạc bộ khác trên khắp thế giới.
Ông gia nhập City vào năm 2011, giữ chức vụ Giám đốc phát triển kinh doanh quốc tế, Giám đốc bán hàng đối tác và sau đó là Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc thương mại trước khi trở thành Giám đốc điều hành của The Citizens vào năm 2016.
Cũng như nhiều quan chức cấp cao khác ở Man City – bao gồm cả HLV Pep Guardiola – Berrada đã có vài năm làm việc tại Barcelona trong khoảng thời gian rất thành công của đội chủ sân Camp Nou, mặc dù ông là người Pháp gốc Ma Rốc chứ không phải người Catalan.
Vị giám đốc sinh ra tại Pháp chính là người đã giúp Man City đạt được nhiều thành công trên thị trường chuyển nhượng những năm qua. Omar Berrada góp công không nhỏ giúp Man City chiêu mộ thành công những cái tên đáng chú ý như Ilkay Gundogan, Riyad Mahrez, Kevin De Bruyne hay Erling Haaland.
Bên cạnh đó, Berrada với tài thương thảo của mình còn giúp The Citizens thu về được số tiền lớn từ việc bán cầu thủ. Đây chắc chắn là điều mà Man United vô cùng “thèm khát”.
CEO ở một đội bóng quan trọng như thế nào?
Việc điều hành hoạt động kinh doanh của một đội bóng có hai phần. Đầu tiên về phía thể thao, CEO cần giám sát việc chuyển nhượng và đàm phán hợp đồng. Còn về các lĩnh vực khác, chủ yếu là hoạt động thương mại, CEO sẽ phụ trách các vấn đề như tài trợ, cơ sở hạ tầng,…
Khách quan mà nói, ở cả lĩnh vực thể thao cũng như thương mại, Man City đều làm tốt hơn Man United rất nhiều trong thập kỷ vừa qua. Trong khi The Citizens ngày càng phát triển với một đội ngũ ban lãnh đạo am hiểu bóng đá thì Quỷ đỏ chủ yếu khiến người hâm mộ thất vọng với những quyết định “đi vào lòng đất” của Ed Woodward, Giám đốc điều hành từ năm 2012 đến năm 2022.
Tại sao lại là Omar Berrada?
Sau khi Richard Arnold lên thay thế Ed Woodward, Man United phần nào đã tiến bộ hơn khi có được chức vô địch League Cup mùa trước và giành vé tham dự Champions League. Nhưng rõ ràng, họ vẫn bị Man City bỏ lại quá xa.
Và với Sir Jim Ratcliffe cùng tập đoàn INEOS, cách tốt nhất để bắt kịp The Citizens là sử dụng một người đã góp phần tạo nên thành công của chính đối thủ.
Trên thực tế, bất chấp thành tích bất ổn trên sân cỏ, Man United vẫn là một trong những đội bóng có nhiều người hâm mộ nhất thế giới và Quỷ đỏ vẫn sở hữu doanh thu khổng lồ. Đây thậm chí còn là xuất phát điểm tốt hơn so với Man City thời điểm Omar Berrada đến vào năm 2011.
Kết luận
CEO không phải là người có thể một mình giúp đội bóng thành công. Tại Man City, bên cạnh Omar Berrada, The Citizens còn có nhiều cái tên tài năng khác trong ban lãnh đạo như Txiki Begiristain, Ferran Soriano và tài cầm quân độc nhất vô nhị của Pep Guardiola.
Do đó, còn quá sớm để có thể khẳng định Omar Berrada có giúp Man United tìm lại được vị thế hay không nhưng chắc chắn, sự am hiểu bóng đá của ông là điều mà Quỷ đỏ rất cần ở thời điểm hiện tại.
ANTHONY MARTIAL ĐÃ TỪNG CÓ MÀN RA MẮT TRONG MƠ VỚI MAN UNITED THẾ NÀO?
Xem thêm: