Với một loạt đấu trường quan trọng phía trước, VFF hẳn sẽ phải lên một kế hoạch phù hợp với thực lực hiện nay của các lứa cầu thủ nước nhà.
Vòng loại cuối World Cup, SEA Games, ASIAD và AFF Cup được xem là 4 sân chơi quan trọng của bóng đá nam trong năm nay. Mỗi giải đấu chắc chắn đều có những mục tiêu cụ thể, nhưng đâu sẽ là cú hích trọng điểm, điều mà Liên đoàn bóng đá Việt Nam cần phải đặt ra để không bị trở nên quá tải khi dàn trải sức bất hợp lý.
Rõ ràng, vòng loại cuối World Cup quá tầm với Rồng vàng, nhưng không thể phủ nhận giá trị to lớn về trải nghiệm mà nó mang lại cho nền bóng đá tại dải đất hình chữ S. Trong khi đó, với vị thế nhà ĐKVĐ SEA Games, công cuộc bảo vệ tấm HCV hứa hẹn là rất gian nan.
Không còn lứa cầu thủ thuộc thế hệ vàng lẫn ông Park ở vị trí HLV trưởng, U23 Việt Nam chắc chắn sẽ phải trải qua hành trình rất chông gai. Thực tế mà nói, ngay cả khi chơi trên sân nhà và dùng U23+3 thì mặt bằng chung cầu thủ của chúng ta vẫn không trên tầm Thái Lan và Indonesia ở lứa này. Nếu các đối thủ mang đến lực lượng tốt nhất, khả năng lần thứ 2 giành HCV của bóng đá nam sẽ bị đe doạ cực lớn.
Gần tương tự là tình cảnh ở ASIAD, với các gương mặt dự SEA Games 31 nhiều khả năng sẽ tiếp tục tham dự đấu trường châu lục diễn ra trong tháng 9. Vào đến bán kết trong kỳ đại hội trước, nhưng việc Olympic Việt Nam vượt qua được vòng bảng ở lần này có lẽ cũng đã là thành công.
Rốt cuộc, đòi lại ngôi vương AFF Cup vào cuối năm nay có lẽ vẫn là mục tiêu thiết thực và mang lại cú hích lớn nhất cho Rồng vàng. Tuy vậy, người Thái chắc chắn không muốn thêm một lần nữa đánh mất vị thế độc tôn vào tay chúng ta. Cuối năm 2022 hứa hẹn sẽ tiếp tục là cuộc chiến cực kỳ cam go của hai nền bóng đá.
Xem thêm: