Chuyện chuyển nhượng: Khi Ligue 1 trở thành ‘shopee’ của Ngoại hạng Anh

- Thứ Ba, 23/07/2024, 17:34
Theo dõi SABAVN trên google-news-text

Nhờ nguồn cung cầu thủ trẻ, khỏe và giàu tiềm năng, Ligue 1 đã kiếm được doanh thu khổng lồ từ công việc làm ăn với Premier League.

Tình thế thay đổi

Xứ sở đấu bò từng là nơi lấy nhiều tiền nhất của Ngoại hạng Anh. Trong vòng 10 năm từ mùa 2004/05 đến 2013/14, giá chuyển nhượng các cầu thủ bỏ La Liga để chuyển đến Premier League cao hơn bất cứ giải đấu nào khác.

Bẵng đi 10 năm, Ligue 1 soán ngôi La Liga để trở thành vườn ươm tài năng lớn nhất cho Ngoại hạng Anh. Tính đến trước kỳ chuyển nhượng hè 2024, sân chơi số một nước Pháp đã bán 145 cầu thủ và lấy về 1,81 tỷ bảng từ các đối tác xứ sở sương mù.

Mặc dù khoảng cách giữa Ligue 1 với La Liga (1,76 tỷ bảng) và Bundesliga (1,72 tỷ bảng) không xa, nhưng việc họ vươn lên dẫn đầu cho thấy khả năng đào tạo đáng nể, trong bối cảnh thời cuộc bóng đá cũng thay đổi không ít. Nói đâu xa, Manchester United vừa phải chi ra tới 62 triệu euro để thuyết phục Lille nhả Leny Yoro dù anh chỉ mới 18 tuổi. Quan trọng hơn, đa phần khán giả đều đánh giá cao thương vụ này khi chứng kiến những gì Yoro làm được.

Yoro khiến người hâm mộ Man Utd hào hứng
Yoro khiến người hâm mộ Man Utd hào hứng

Chất lượng đảm bảo

Dĩ nhiên vẫn luôn có những bản hợp đồng thất bại, hay tệ hơn là “bom xịt”, chẳng hạn như trường hợp Nicolas Pepe khoác áo Arsenal. Dẫu vậy, số lượng đáng kể các cầu thủ chơi tốt và thành công tại xứ sở sương mù giúp nhiều câu lạc bộ Ngoại hạng Anh có thêm niềm tin với nguồn hàng của nước Pháp.

Kể sơ sơ ra thì Arsenal đang sở hữu cặp trung vệ đẳng cấp Gabriel Magalhaes – William Saliba, Newcastle United rất hài lòng với Bruno Guimaraes và Sven Botman, còn Amadou Onana vừa mang về cho Everton 50 triệu euro sau khi đồng ý gia nhập Aston Villa. Tất cả họ đều có thời gian rèn giũa và phát triển tại đất nước hình lục lăng.

Xa hơn nữa, người hâm mộ hẳn cũng còn nhớ Eden Hazard (từ Lille sang Chelsea), Olivier Giroud (Montpellier sang Arsenal), Hugo Lloris (Lyon sang Tottenham Hotspur) hay Bernardo Silva (AS Monaco sang Manchester City). Những gương mặt này giờ đã trở thành một phần lịch sử giải Ngoại hạng Anh.

Một nguyên nhân lớn khiến những “món hàng” từ Ligue 1 hấp dẫn trong mắt các CLB Premier League chính là sự trẻ trung. Báo cáo của UEFA xác nhận nhóm cầu thủ từ 23 tuổi trở xuống đã chiếm 39% tổng thời gian thi đấu tại Ligue 1 mùa giải 2021/22. Con số này cao hơn hẳn La Liga (20%) – nơi từng là địa điểm mua sắm ưa thích nhất của người Anh.

Tiền chuyển nhượng của Premier League đổ về các quốc gia
Tiền chuyển nhượng của Premier League đổ về các quốc gia

Ligue 1 bán cầu thủ để sống

Tình hình tài chính ảm đạm đã khiến nhiều đội bóng nước Pháp phải chú trọng vào công tác đào tạo nhân tài. Bản quyền hình ảnh Ligue 1 chỉ có giá 420 triệu bảng/mùa, quá khiêm tốn so với mức 3 tỷ/mùa của Ngoại hạng Anh.

Tây Ban Nha, Đức và Ý phần nào chịu áp lực tương tự, nhưng không nặng nề như Ligue 1. “Nước chảy chỗ trũng”, thế nên dòng tiền từ Anh đổ về Pháp âu cũng hợp lý. Thậm chí, các đại gia sở hữu đội bóng ở Ngoại hạng Anh còn nhăm nhe thâu tóm luôn các CLB Ligue 1. Tập đoàn BlueCo của ông Todd Boehly (Chủ tịch Chelsea) thực tế đã nắm phần lớn cổ phần câu lạc bộ Strasbourg từ giữa năm 2026.

Trong giai đoạn 2004 – 2024, đã có 260 cầu thủ chuyển từ Ligue 1 sang Ngoại hạng Anh, nhiều hơn La Liga (245) và bỏ xa Serie A (192) cũng như Bundesliga (171). Khoảng cách sẽ còn gia tăng cho đến lúc phiên chợ hè 2024 kết thúc vào cuối tháng 8, khi các ông lớn xứ sở sương mù tiếp tục hướng ống nhòm sang phía bên kia eo biển Manche.

Nguồn: The Athletic

TEN HAG BỊ HẠN CHẾ QUYỀN LỰC ? - MAN CITY TÌM NGƯỜI THAY THẾ EDERSON

Xem thêm:

Man United

Ngoại hạng Anh

Ligue 1

Leny Yoro