Tân CEO của Manchester United đã thẳng thắn nhận xét về những sai sót của đội bóng, đồng thời làm rõ nhiều điều đối với người hâm mộ.
Bối cảnh
Vào buổi chiều thứ Bảy tuần trước, CEO Richard Arnold của Manchester United nhận được một cuộc gọi. Khi đó, ông và gia đình đang ở tại ngôi nhà nằm trong khu Cheshire.
Cú điện thoại ấy là lời cảnh báo lịch sự rằng hơn một tá cổ động viên Quỷ đỏ – được gọi bằng cái tên “The 1958” – đã tập hợp và chuẩn bị biểu tình tại nhà của Arnold. Mục đích của chuyện này chắc ai cũng rõ: nhóm fan kể trên muốn thể hiện sự bất bình với cung cách quản lý của nhà Glazer và các quan chức ở Old Trafford.
Trước khi tiến đến dinh cư của Arnold, nhóm người biểu tình đã tụ họp ở một quán rượu tại địa phương. Thế là vị Giám đốc 51 tuổi quyết định hành động trước. Đích thân ông tới quán rượu ấy để nói chuyện với các cổ động viên. Rõ ràng là không ai muốn vợ và con mình bị nhiễu loạn bởi đám đông giận dữ cả.
Xuất hiện tại quán, Arnold mua bia cho mọi người và lịch thiệp yêu cầu họ không ghi lại nội dung cuộc trao đổi – điều sau cùng không trở thành hiện thực.
Công tác chuyển nhượng
Bất cứ ai theo dõi MU cũng phải lắc đầu ngán ngẩm trước cách mà CLB quản trị nhân sự. Về điều này, tân CEO của đội chủ sân Old Trafford khẳng định:
“Chúng ta đã chi cả tỷ bảng để mua cầu thủ. Man United chi nhiều tiền hơn bất cứ đội nào khác ở châu Âu. Tôi không hài lòng với tình thế hiện tại. Trong tương lai, chúng tôi sẽ sửa lỗi. Nhưng hiện tại thì đội đang đốt tiền. Tôi không nghĩ rằng chúng ta đã dùng tiền một cách hợp lý.”
Cựu CEO Ed Woodward từng cố gắng gia hạn hợp đồng với mục đích đảm bảo giá trị cầu thủ, từ đó làm đẹp sổ sách của đội bóng. Tuy nhiên, ông và các cộng sự lại không đáp ứng yêu cầu của các HLV. Ví dụ điển hình xảy ra hồi hè 2018, khi bộ sậu MU từ chối mang về cho Jose Mourinho một trung vệ, chỉ 6 tháng sau khi ký hợp đồng mới với chiến lược gia người Bồ Đào Nha.
Arnold cần thời gian để tạo ra kết quả, nhưng dù gì thì lời đánh giá công tâm của ông cũng khiến người hâm mộ bớt yên tâm hơn. Và đoạn thoại tiếp theo càng chứng tỏ sự khác biệt giữa Arnold và Woodward.
“Mùa hè này, ngân sách mà HLV và Giám đốc bóng đá mong muốn đã có. Vấn đề không phải là tiền. Nếu HLV muốn cầu thủ nào đó, người mà họ đã đánh giá được rằng anh ta tài năng đến đâu, thì ngân sách cũng đã xong. Này John [Murtough], tiền đây. Ông là Giám đốc bóng đá kia mà. Này Erik [ten Hag], ông là HLV. Ông muốn mua ai? Chẳng lẽ các ông muốn tôi đi mua cầu thủ?”
Nếu biết rằng mình bị ghi hình, có lẽ Arnold sẽ dùng câu từ khác đi. Nhưng cũng chính vì vậy mà ta thấy được cách ông nhìn nhận vấn đề. Là một CEO xuất thân từ nghề kế toán, ông không muốn nhúng tay quá sâu vào chuyên môn bóng đá. Chuyện mua ai, bán ai, ắt hẳn phải do HLV Erik ten Hag và Giám đốc bóng đá John Murtough đề xuất. Quan điểm ấy khác hẳn Ed Woodward – người đã ra sức can thiệp vào khía cạnh chuyển nhượng của Man United.
Ông chủ và nhà tài trợ
Hồi tháng 3/2021, Man Utd ký hợp đồng trị giá 47 triệu bảng/năm với TeamViewer. Sau sự kiện Super League, nhóm “1958” đã khuyến khích cổ động viên nhắm đến công ty có trụ sở tại Đức. Trên trang review Trustpilot, đã có thời điểm người ta chứng kiến 86% số lượng đánh giá dành cho TeamViewer là “Tệ”, dẫn đến số điểm trung bình 1,3/5.
Arnold không hài lòng với cách làm này. Ông cho biết:
“Nếu biểu tình, hãy nhắm đến tôi. Đó là công việc của tôi, tôi sẵn sàng chấp nhận. Nhưng các nhà tài trợ đã đổ tiền vào câu lạc bộ cơ mà. Họ không đáng bị trừng phạt. Họ đã làm gì sai?
Nên nhớ rằng trong tương lai, để đầu tư vào sân vận động mới hoặc những thứ đại loại như vậy thì cần phải có tiền. Chúng ta cần các nhà đầu tư. Tôi cần tiền để làm những gì tôi muốn làm cho CLB.
Không đội bóng nào trên thế giới này tự kiếm đủ tiền để xây sân mới cả. Hoặc là bạn đi mượn, hoặc ai đó rót vốn cho bạn. Spurs đã vay 1 tỷ bảng đấy thôi. Bạn có thể không thích mấy ông chủ, nhưng bạn cần những nhà tài trợ đến và đánh giá rằng cổ động viên yêu mến đội bóng của họ.”
Khi nhóm “1958” lý luận rằng việc tấn công nhà tài trợ là để gây sức ép lên nhà Glazer, Arnold đáp trả:
“Điều đó thực sự có tác dụng sao? Các bạn biết chuyện gì đã xảy ra hồi năm 2005 mà. Mọi người gây áp lực để nhà Glazer không mua câu lạc bộ, nhưng rốt cuộc họ vẫn mua đấy thôi. Họ cứng như đá vậy.”
“Họ không quan tâm đến CLB, tôi hiểu,” một người lên tiếng.
“Không phải là không quan tâm, mà là họ không sợ sức ép của dư luận,” Arnold phản biện.
Nhóm 1958 tiếp tục chất vấn: “Nhưng hãy nhìn cách mà họ làm với CLB ở Mỹ (nhà Glazer sở hữu đội Tampa Bay Buccaneers đang chơi ở giải bóng bầu dục NFL). Họ đối xử khác hẳn với Man United.”
Arnold trả lời: “Vấn đề đúng ra phải là ‘Vai trò của một CEO như tôi là gì?’, đúng không? Tôi sẽ đảm bảo John [Murtough] hoàn thành nhiệm vụ của ông ấy bên mảng bóng đá… Tôi muốn đưa câu lạc bộ này trở lại, thế nên tôi với các bạn cũng cùng chung một thuyền. Chúng ta đều muốn câu lạc bộ thành công. Tôi sẽ làm việc với John và đảm bảo ngân sách chuyển nhượng. Tôi sẽ nói chuyện với bất cứ cổ động viên nào và trả lời bất cứ lá thư nào.”
Rõ ràng, Arnold hiểu được trạng thái ức chế của người hâm mộ. Ông muốn hướng sự giận dữ ấy ra khỏi các nhà tài trợ, đồng thời làm rõ rằng sức ép không phải thứ khiến nhà Glazer sợ sệt. Những gì mà fan MU có thể làm là tin vào lời hứa của Arnold, tin vào phong cách làm việc mới mẻ và tiếp tục ủng hộ đội bóng.
Nguồn: The Athletic
Xem thêm: