Chuyện một CLB dừng hoạt động như Than Quảng Ninh mới đây, dù đau lòng nhưng thực tế thì đã không còn lạ lẫm.
Covid-19 giáng một đòn mạnh xuống nền bóng đá Việt Nam, và Than Quảng Ninh là cái tên mới nhất phải giương cờ trắng. Sự việc này một lần nữa nhắc nhở chúng ta về tính chất mong manh của các CLB nước nhà, bởi đội bóng đất Mỏ không phải đại diện đầu tiên giải tán vì ông bầu “nghỉ chơi”.
Đầu năm 2015, bầu Trường tuyên bố giải thể CLB Xi măng The Vissai Ninh Bình, khép lại quãng thời gian 8 năm của đội bóng này trên bản đồ bóng đá Việt. Khi mới thành lập, Ninh Bình không ngại vung tiền tỷ để chiêu mộ ngôi sao. Nhưng đến khi chủ sở hữu dừng đầu tư, đội cũng buộc phải ngưng hoạt động.
Trước đó hai năm, các cầu thủ Xi Măng Sài Gòn Xuân Thành cũng bàng hoàng khi Chủ tịch Nguyễn Xuân Thủy ra quyết định bỏ V-League, đồng thời giải thể cả CLB. Khi đó, bầu Thủy buông tay vì không hài lòng với cách điều hành của VPF và VFF.
Nhiều người hâm mộ hẳn cũng sẽ nhớ đến Khatoco Khánh Hòa. Kết thúc mùa giải 2012, vì không thể đương đầu với những khó khăn tài chính nên BLĐ đội bóng phố Biển đã quyết định bán suất thi đấu V-League 2013 lại cho Vicem Hải Phòng. Sau đó, đội phải làm lại từ đầu bằng cái tên Sanna Khánh Hòa Biển Việt Nam. Nhưng đến tháng 7/2020, chính nhà tài trợ Sanna cũng quyết định ngừng đầu tư.
Hay như năm 2014, Hùng Vương An Giang sau một mùa giải bết bát tại V-League cũng bị UBND tỉnh An Giang giải tán. Nguyên nhân không gì khác ngoài việc nhà tài trợ Hùng Vương không làm đúng thỏa thuận, dẫn đến thiếu tiền lương, thưởng, lót tay cho các cầu thủ.
Kể ra để thấy, Việt Nam có sự ủng hộ nhiệt thành từ người hâm mộ, nhưng con đường làm bóng đá chuyên nghiệp vẫn còn lắm gian nan. Hẳn phải rất lâu nữa, V-League mới có thể trở thành một giải đấu hàng đầu Đông Nam Á.
Xem thêm: