Nếu quan sát những tập thể đoạt cúp vàng trong các kỳ gần đây, bạn có thể nhận ra một vài điểm trùng hợp.
Năm 2010, ĐT Tây Ban Nha thất bại ngay trận ra quân dưới tay ĐT Thụy Sĩ trong một ngày mà họ gần như không tìm được cách xuyên qua hàng phòng ngự đối phương.
Năm 2014, ĐT Đức mở màn bằng thắng lợi 4-0 trước ĐT Bồ Đào Nha, nhưng nên nhớ rằng hôm ấy Pepe phải nhận thẻ đỏ khá ngu ngốc ngay ở hiệp một. Sau đó, “Cỗ xe tăng” cần đến phương án dự bị mang tên Miroslav Klose mới giành lại 1 điểm từ Ghana. Đến lượt đấu cuối, họ chỉ có thể hạ gục ĐT Mỹ với tỷ số tối thiểu.
ĐT Pháp cách đây 4 năm đối diện nhiều sóng gió tại vòng bảng, nơi họ chỉ ghi được 3 bàn, trong đó có 1 quả penalty và 1 pha phản lưới nhà từ đối thủ.
Ấy thế mà Tây Ban Nha, Đức và Pháp cuối cùng lại đăng quang ở 3 kỳ World Cup gần nhất.
Người hâm mộ thường muốn HLV triệu tập các cầu thủ đang vào “phom”, nhưng đôi khi một khoảnh khắc từ những ngôi sao tên tuổi lại là thứ trực tiếp mang về thắng lợi.
Trước World Cup 2010, Victor Valdes và Pepe Reina đều chơi ổn hơn Iker Casillas. Tiền vệ Andres Iniesta thì lại dính chấn thương nghiêm trọng trong mùa 2009/10 (nghỉ tổng cộng hơn 4 tháng). Thế nhưng, HLV Vicente del Bosque vẫn tin tưởng vào đẳng cấp của các cầu thủ trụ cột. Rốt cuộc, Casillas cứu một bàn thua trông thấy ở trận chung kết, còn Iniesta lập công quyết định để đưa La Roja đến ngôi vương.
Trên đất Brazil sau đó 4 năm, Bastian Schweinsteiger trở thành nhân tố chủ chốt của ĐT Đức dù anh rớt phong độ trong màu áo CLB Bayern Munich. Trường hợp Paul Pogba và ĐT Pháp hồi năm 2018 cũng tương tự, khi chân chuyền 29 tuổi gặp nhiều sóng gió tại Manchester United nhưng lại tỏa sáng rực rỡ ở đấu trường thế giới.
Thậm chí, quay về lại World Cup 2002, chúng ta có thể thấy Ronaldo de Lima tới châu Á với thành tích nghèo nàn: chỉ 10 bàn tại giải quốc nội trong 3 mùa liên tiếp và chưa lập công cho ĐT Brazil suốt gần 3 năm (do chấn thương nặng). Tuy nhiên, mùa hè năm ấy đã trở thành lịch sử khi “Người ngoài hành tinh” đoạt ngôi Vua phá lưới với 8 bàn.
Ở World Cup 2006, Marcello Lippi dùng sơ đồ 4-3-1-2 trong 3/4 trận đầu tiên của ĐT Italia. Nhưng từ tứ kết trở đi, chiến lược gia này trung thành với hệ thống 4-4-1-1, mở ra cơ hội thi đấu cho Mauro Camoranesi.
Vòng bảng năm 2010, David Villa thường xuất phát bên cánh trái, nhường vị trí trung phong cho Fernando Torres. Nhưng sau đó, Del Bosque đẩy Villa lên trên cùng, đồng thời cho Pedro đảm nhận vai trò tiền đạo cánh.
Màn trình diễn không quá thuyết phục của ĐT Đức trong 4 trận đầu tiên của World Cup 2014 dẫn tới hai sự thay đổi đáng kể. Philipp Lahm, người khởi đầu giải đấu tại trung lộ, chuyển về lại hành lang phải. Nhờ đó, “Cỗ xe tăng” hưởng lợi từ tốc độ của Jerome Boateng nơi chính giữa hàng thủ.
Phía trên, Joachim Low loại bỏ phương án hàng công không số 9 (Mesut Ozil, Thomas Muller và Mario Gotze). Thay vào đó, ông cho Klose đá cắm, còn Ozil và Muller hoạt động ở hai biên.
Bốn năm sau, tình thế lặp lại với Didier Deschamps. Sau khi chứng kiến bộ ba Antoine Griezmann, Kylian Mbappe và Ousmane Dembele chật vật, nhà cầm quân người Pháp chuyển sang hệ thống 4-2-3-1 với Olivier Giroud chơi cao nhất. Blaise Matuidi được xếp đá tiền vệ trái, nhưng vốn là để cung cấp sự cân bằng cho cánh phải, nơi Mbappe được tự do tấn công.
Cụ thể hơn, những trận giữ sạch lưới tại giai đoạn đấu loại trực tiếp chiếm tỷ trọng đáng kể trong hành trình lên ngôi của các nhà vô địch kể từ năm 1998 đến nay. Pháp năm 1998 (sạch lưới 3/4 trận ở vòng knock-out), Brazil năm 2002 (3/4), Ý năm 2006 (3/4), Tây Ban Nha năm 2010 (4/4), Đức năm 2014 (2/4) và Pháp năm 2018 (2/4) là các ví dụ tiêu biểu.
Nguồn: The Athletic
Xem thêm: